Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc sáng nay, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình cam kết tiếp tục mở cửa nền kinh tế. “Cánh cửa của Trung Quốc sẽ không bao giờ đóng lại, mà chỉ ngày càng mở rộng hơn”, ông tuyên bố.
Ông cũng khẳng định Trung Quốc sẽ đẩy nhanh các biện pháp kích thích tiêu thụ hàng nhập khẩu trong nước, giảm thuế nhập khẩu, nới lỏng thủ tục thông quan và trừng phạt nghiêm khắc việc vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ. Ông dự báo kim ngạch hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ vượt 30.000 tỷ USD trong 15 năm tới. Dù vậy, lãnh đạo Trung Quốc chưa nêu ra bất kỳ chính sách nào mới.
“Chúng tôi sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh đẳng cấp thế giới”, ông cho biết, đồng thời khẳng định các yếu tố nền tảng của kinh tế Trung Quốc vẫn tốt và đà tăng trưởng vẫn ổn định.
Chủ tịch Trung Quốc cũng lặp lại chỉ trích về “chính sách bảo hộ”, “cô lập” và đối đầu. Ông cho rằng các nước nên tự khắc phục các vấn đề của mình, trước khi nhắm đến nước khác: “Họ không nên chỉ tay vào người khác để che đậy các vấn đề của chính mình. Họ không nên cầm đèn pin rọi vào điểm yếu của người khác thay vì của bản thân”. Cũng như mọi lần, ông Tập không trực tiếp đề cập đến Mỹ.
Đây là triển lãm nhập khẩu quốc tế đầu tiên của Trung Quốc. Mục đích là thể hiện cam kết mở cửa thị trường, bất chấp các chỉ trích ngày càng tăng về việc công ty nước ngoài khó tiếp cận nước này và cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng trầm trọng. Đến nay, hai nước đã áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau.
Các nhà tổ chức cho biết hơn 3.000 công ty nước ngoài từ 130 quốc gia sẽ tham dự sự kiện này. Tờ Global Times thì khẳng định các công ty Mỹ không lạnh nhạt với sự kiện vì chiến tranh thương mại. Họ là quốc gia có số đại diện nhiều thứ ba tại đây, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Các công ty lớn được chú ý là General Motors, Ford, Microsoft, Samsung, Walmart, và Tesla. Đồng sáng lập Microsoft - Bill Gates cũng góp mặt.
Trước đó, ông Tập khẳng định triển lãm cho thấy nước này sẵn sàng giảm thâm hụt thương mại với các nước khác. Từ lâu, Trung Quốc đã được kêu gọi mở cửa sân chơi trong nước, vốn ưu tiên doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp ngoại thường phàn nàn về hàng loạt chính sách của nước này, từ buộc liên doanh với công ty trong nước, ép chuyển giao công nghệ, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ tràn lan đến thủ tục hành chính phức tạp.
Các tổ chức vận động hành lang cho doanh nghiệp Mỹ và châu Âu từ tuần trước đã kêu gọi Trung Quốc tận dụng triển lãm lần này để công bố các thay đổi chính sách. Trung Quốc vẫn là thị trường có sức hấp dẫn lớn. Bất chấp việc bị chặn và phải rút khỏi Trung Quốc vì bị kiểm duyệt gắt gao, các đại gia công nghệ như Facebook hay Google đều đang tìm cách mới thâm nhập thị trường khổng lồ này.
Giới chuyên gia thì nhận định sự kiện kéo dài một tuần này sẽ truyền tải thông điệp của Bắc Kinh. Đó là khi họ chuyển từ nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng nội địa, các nước sẽ cần hợp tác với Trung Quốc nếu muốn hưởng lợi từ thị trường này.
Hà Thu (theo AFP/Bloomberg)