Sáng 9/4, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021,
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ đã ban hành Quy chế, hướng dẫn tổ chức kỳ thi, xây dựng ma trận đề, đề thi tham khảo và bổ sung ngân hàng câu hỏi thi, hoàn thiện hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021.
"Các bài học trong việc tổ chức kỳ thi những năm trước đều được xem xét, rút kinh nghiệm đưa vào trong quy chế, hướng dẫn tổ chức kỳ thi năm nay, đặc biệt là phương án ứng phó trong tình huống có dịch bệnh", Thứ trưởng Độ nói.
Góp ý vào công tác chuẩn bị kỳ thi 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng việc phân cấp địa phương tổ chức kỳ thi, chịu trách nhiệm trực tiếp là đúng đắn. Bộ cần hướng dẫn thật tốt, chi tiết các khâu, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra chính thức phải có kế hoạch đột xuất để phát hiện những vấn đề và xử lý kịp thời.
Về lâu dài, ông Vinh cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT phải làm sao tác động ngược trở lại để nâng cao chất lượng, giúp hệ thống giáo dục phát triển lành mạnh, đồng thời bảo đảm quyền lợi được học lên bậc cao hơn của thí sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Các đại biểu nhận xét những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cần tiếp tục phát huy như giao trách nhiệm trực tiếp cho địa phương, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi; công khai điểm học bạ; tổ chức chấm thi tập trung; đề thi vừa đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp, vừa phân hóa, bảo đảm cơ hội vào đại học rộng mở cho tất cả thí sinh.
Kỳ thi năm 2021 phải tiếp tục được rà soát, rút gọn những khâu từ tổ chức ra đề, tập huấn công tác coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra đến xử lý vi phạm... làm sao vẫn đảm bảo nghiêm túc, an toàn, trung thực, nhưng không gây căng thẳng, áp lực không cần thiết cho thí sinh và xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng quy chế thi phải chặt chẽ nhưng phải nhân văn, đứng về phía thí sinh, tạo điều kiện tối đa cho các em, xem xét kỹ càng, thấu đáo những trường hợp vi phạm quy chế.
Tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ dành sự quan tâm, trực tiếp làm việc với các cục, vụ, kiểm tra kỹ, rà soát tất cả khâu để tránh sai sót, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới, bảo đảm an toàn từ chuẩn bị đề, chấm thi, xác nhận kết quả, công bố điểm, đăng ký xét tuyển... "Không chỉ giới hạn trong quy chế, Bộ sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh", Bộ trưởng Sơn nói.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua 6 năm, Việt Nam đã hoàn thành lộ trình đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kế thừa những điểm đã làm tốt, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa những điểm còn hạn chế, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.
Mặc dù Bộ đã công bố quy chế, đề thi thử, Phó thủ tướng đề nghị từ nay đến khi tổ chức thi Bộ tiếp tục rà soát chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo kỳ thi được tổ chức tốt, đặc biệt lưu ý những gì liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của thí sinh. Bộ cũng phân tích về một số trường hợp, tình huống vi phạm quy chế thi dẫn tới bị đình chỉ thi của một số thí sinh, năm 2019 là 79 em, năm 2020 là 38 em.
Phó thủ tướng lưu ý, kể cả những trường hợp nghi ngờ, biểu hiện không bình thường trong phòng thi thì cũng phải có phương án dự phòng xử lý sao cho thí sinh được tạo điều kiện tối đa để thi, tuyệt đối không để trường hợp nào bị oan, mất quyền lợi không được thi.
Đối với công tác chuẩn bị đề thi, Bộ tiếp tục hoàn thiện ngân hàng đề, bảo đảm trong tình huống xấu nhất dịch bệnh, thiên tai, có thể tổ chức thi nhiều đợt.
Gắn với việc tiếp tục giải pháp công khai điểm học bạ của các tỉnh, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ phải phân tích đánh giá, tỉnh nào chênh lệch điểm thi và học bạ để có giải pháp uốn nắn, chấn chỉnh, việc nâng điểm học bạ, không đúng thực chất, năng lực của học sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến diễn ra trong hai ngày 7-8/7, tương tự như năm 2020. Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi đầy đủ 3 bài độc lập và một bài tổ hợp. Còn thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi hai bài độc lập là Toán và Ngữ văn cùng một bài tổ hợp. Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm bài Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Hiện, nhiều đại học đã công bố phương án tuyển sinh. Hầu hết trường dành đa số chỉ tiêu để tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Giáo dục đại học, cho biết sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, khoảng 87% thí sinh trúng tuyển đại học qua phương thức xét điểm thi tốt nghiệp và học bạ; 5,7% trúng tuyển các trường đặc thù như năng khiếu, nghệ thuật; 2,2% được tuyển thẳng, còn lại các phương thức tuyển sinh khác như tổ chức kỳ thi riêng, đánh giá năng lực...