ASISOV trụ sở tại TP Quy Nhơn vừa nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình nhân giống hành tím nguồn gốc Ninh Thuận, Quảng Ngãi bằng hạt giống.
Ninh Thuận và Quảng Ngãi vốn là hai địa phương nổi tiếng với nghề trồng hành tím. Nhưng lâu nay người dân vốn thường phải mua củ giống với chi phí cao, cách làm này cũng tốn nhiều công lao động của người nông dân, nên việc nghiên cứu hạt giống là cần thiết.
Theo ASISOV, hiện trong nước có một số nghiên cứu từ giống nhập khẩu, song chi phí cao hơn, thời gian dài, rủi ro cao nếu giống thích ứng không tốt. Giống nhập khẩu có thể mang theo các mầm bệnh hoặc sâu bệnh mới, gây rủi ro cho hệ sinh thái địa phương. Do đó, viện sử dụng giống hành tại hai địa phương nói trên.
Công nghệ nhân giống hành tím bằng hạt giống được ASISOV nghiên cứu bao gồm hai phương pháp chính là nhân giống bằng hạt OP và nhân giống bằng hạt lai F1. Nhân giống bằng hạt OP là hạt giống thụ phấn tự nhiên, tức là các cây tự thụ phấn và tạo ra hạt giống. Nhân giống bằng hạt lai F1 là sử dụng các cây bố mẹ cơ bản để lai tạo nhằm tạo ra thế hệ mới.
Quy trình nhân giống hành tím bằng hạt OP bắt đầu bằng việc chọn lọc và phục tráng các dòng hành tím địa phương qua 3 thế hệ. Quá trình thụ phấn tự nhiên được thực hiện bằng ong. Sau đó, cây con mọc từ hạt OP được gieo ươm trong khay, chăm sóc cẩn thận trong điều kiện nhà lưới.
Trong quy trình nhân giống bằng hạt lai F1, một giống hành tím địa phương được chọn làm dòng bố mẹ, trong khi một dòng hành tím đặc biệt không thể tự thụ phấn (bất dục đực) được lựa chọn làm dòng mẹ. Quá trình thụ phấn được thực hiện nhờ các loài ong giao phấn. Từ việc lai tạo này, hạt lai F1 được hình thành. Cây con mọc từ những hạt lai F1 này được gieo ươm trong khay và chăm sóc cẩn thận trong điều kiện nhà lưới.
Sau khi hạt được gieo ươm từ 45-60 ngày, các cây con mọc lên từ hạt OP và hạt lai F1 đều được đưa ra trồng tại ruộng sản xuất. Sau khoảng 90-100 ngày tiếp theo là có thể thu hoạch củ hành thương phẩm hoặc giữ lại làm củ giống cho vụ sau.
Trồng hành tím bằng hạt giống đem lại nhiều lợi ích vượt trội so với trồng bằng củ giống truyền thống. Theo TS Vũ Văn Khuê - Phó Viện Trưởng ASISOV, vì được nhân giống hữu tính nên cây hành từ hạt giống khỏe mạnh hơn, tỷ lệ sống cao, củ hành to hơn và khả năng chống chịu cũng tốt hơn.
ThS Lê Đức Dũng - Phó Bộ môn Rau, Hoa và Cây cảnh thuộc ASISOV cho biết, đơn vị đã thử nghiệm thành công mô hình trồng cây hành tím từ hạt OP và hạt lai F1. Dù mới chỉ ở quy mô nhỏ, nhưng theo đánh giá năng suất hành tím trồng từ hạt có thể tăng gấp đôi so với trồng từ củ giống truyền thống. Cụ thể, hành tím giống OP cho năng suất 25 tấn/ha, trong khi giống lai F1 là 30 tấn/ha, gấp đôi năng suất hành trồng từ củ giống trung bình 15-20 tấn/ha.
Bên cạnh đó, sử dụng hạt giống trong canh tác hành tím giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào. Với phương pháp dùng củ giống, quy mô 1 ha, tùy theo kích cỡ củ giống, nông dân phải chi từ 2-3 tấn củ, tương đương từ 80 triệu đến 195 triệu đồng chi phí mua giống. Thêm vào đó, điều kiện nắng nóng của vụ hè thu khiến tỷ lệ hao hụt củ giống cao, buộc người trồng phải sử dụng lượng giống nhiều hơn, lên tới 3 tấn/ha.
Với hạt giống, diện tích 1 ha chỉ cần khoảng 1 kg hạt giống có thể gieo ra đủ cây con khoảng 60 triệu đồng, giảm hơn một nửa chi phí so với củ giống. Nhờ đặc điểm nhỏ gọn, hạt giống dễ dàng vận chuyển và cũng không chiếm nhiều diện tích bảo quản nếu bảo quản trong điều kiện lạnh.
Ngoài ra, phương pháp trồng hành tím sử dụng củ giống truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc sản xuất liên tục qua các vụ khiến củ giống dần tích lũy sâu bệnh hại trong tầng đế củ, làm suy giảm chất lượng, củ hành thương phẩm nhỏ đi và ảnh hưởng đến năng suất. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển và bảo quản củ giống quá lâu cũng gây tốn kém cho người trồng. Cụ thể, sau thu hoạch, nông dân phải bảo quản củ giống ít nhất 2 tháng mới đủ điều kiện trồng, tốn chi phí thuê kho bãi, nhân công làm đảo và phơi củ. Ngay cả khi đã nằm trong kho, củ giống vẫn cần được thường xuyên đảo trộn để thông gió. Những chi phí tốn kém này khiến giá thành củ giống hành tím truyền thống tăng cao, gây khó khăn cho người sản xuất.
Trong khi đó, với hạt giống, do được sản xuất trong điều kiện khép kín nên hạt giống cũng sạch hơn, củ hành thu hoạch đồng đều và to hơn.
TS Hồ Huy Cường, Viện trưởng ASISOV xác nhận, công nghệ nhân giống hạt OP và hạt lai F1 cho hành tím mà Viện đã nghiên cứu thành công không chỉ khắc phục hiện tượng thoái hóa giống hành mà còn mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Nhờ được sản xuất trong điều kiện kiểm soát, hạt giống của công nghệ mới giúp cây hành có khả năng chống chịu tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt hay dịch hại, đảm bảo sản lượng ổn định. Đặc biệt, độ đồng đều về kích cỡ và chất lượng của củ hành thu hoạch cũng được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao năng suất củ thương phẩm.
Sau giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm thành công, ASISOV sẽ triển khai sản xuất đại trà công nghệ hạt giống hành tím, dự kiến từ năm 2025. Theo TS Vũ Văn Khuê, ASISOV dự kiến chuyển giao công nghệ mới này theo 3 hình thức, đó là chuyển giao hạt giống, cung cấp cây con, và cung cấp củ giống. Trong đó, giống hành tím nhân giống hạt OP được dùng để phục vụ cho nhu cầu sản xuất nội địa, dùng để ăn tươi, làm gia vị. Còn giống hành tím được nhân giống hạt lai F1 sẽ được sản xuất quy mô lớn và bán hạt giống để nông dân tự gieo thành cây con để trồng, hoặc bán củ thương phẩm làm nguyên liệu chế biến hành phi.
"Nghiên cứu mới này sẽ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc chủ động nguồn cung cấp nguyên liệu hành tím trong nước, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hành tím", lãnh đạo ASISOV nói.
Thảo Chi