Táo quân phát sóng giao thừa năm nay (21/1) nhận loạt khen chê từ người xem. Nhiều nhận xét cho rằng ở số 20, show vẫn mang thông điệp phê phán vấn đề tiêu cực nổi cộm của xã hội, nhưng tiếng cười nặng phần giải trí thay vì thâm thúy như giai đoạn đầu. Cũng nhiều người nói show "đuối" nội dung, không còn sáng tạo, thậm chí mảng miếng hài bị cho "nhảm, nhạt".
Táo quân ra đời từ năm 2003, trải qua nhiều thay đổi trước khi trở thành show giải trí thường niên. NSND Khải Hưng, "cha đẻ" chương trình nói thời năm 2000, khi còn công tác ở Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam, trong một lần đi qua đoạn đường Lê Duẩn - Cửa Nam (Hà Nội), ông thấy băng rôn giới thiệu chương trình Gặp nhau và cười, quy tụ diễn viên hai miền. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng làm chương trình hài dài hơi mang tên Gặp nhau cuối tuần.
Sau ba năm, khi Gặp nhau cuối tuần ở đỉnh cao, êkíp muốn làm chương trình tổng kết dịp cuối năm. Thời điểm đó, Đài Truyền hình TP HCM đã phát sóng một chương trình tên Táo quân được 5 năm, kể lại câu chuyện hai ông một bà lên chầu trời theo tích dân gian. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - khi ấy là tổ trưởng sản xuất chương trình - nêu nhiều ý tưởng khác biệt như đưa cặp Nam Tào - Bắc Đẩu vào, mỗi Táo đại diện cho một ngành. Số đầu tiên, nghệ sĩ Quốc Trượng đóng Ngọc Hoàng. Vai diễn sau đó được giao cho nghệ sĩ Quốc Khánh vì anh đóng ra nét thâm trầm, uy nghiêm hơn. Vai Bắc Đẩu ban đầu khá nam tính, dần dà được chăm chút, trở thành nhân vật giới tính không rõ ràng.
Với Chí Trung, một nghệ sĩ gắn bó dài lâu với chương trình, đỉnh cao của Táo quân là giai đoạn năm 2014-2017. "Khi đó, tôi đảm nhận vai Táo Giao Thông, đúng thời điểm hạ tầng giao thông đang phát triển, nhiều vấn đề bất cập và bức xúc nên chúng tôi có nhiều tư liệu phát triển. Còn những năm sau, các vấn đề dần cũ nên không được hay bằng", anh nói.
Trước đó, Táo quân nhiều lần gây sốt như năm 2009, sau trận lụt lịch sử ở Hà Nội, nhiều người nhớ như in giai điệu bài Lụt từ ngã tư đường phố. Năm 2011, bài hát chế Đi học với những ca từ cười ra nước mắt "Hôm qua em đến trường, bạn đánh em gần chết. Bao nhiêu bạn quay phim, cả trường em biết hết...", phản ánh nhiều vụ bạo lực học đường của ngành giáo dục. Hoặc năm 2013, ca khúc Hoang mang Style (cải biên từ Gangnam Style) của Táo Kinh tế Quang Thắng với câu "Một năm kinh tế buồn" vừa hài hước, vừa phản ánh thời điểm khó khăn của đất nước.
Những năm đầu làm Táo quân, đạo diễn Khải Hưng chủ trương không né tránh điều gì, để đội ngũ biên kịch tự do phóng tác. Thời ấy, mạng xã hội chưa phát triển, êkíp chủ yếu dựa vào tin tức trên báo, đài suốt một năm để làm cảm hứng. Đạo diễn Khải Hưng nói có những năm, ông phải ngồi cùng giám đốc đài để xem bản cuối, cắt ngay trước giờ lên sóng. "Có năm, nhiều lãnh đạo thậm chí gọi điện thăm dò xem kịch bản có đề cập đến ngành của họ hay không", đạo diễn nhắc lại.
Từ một chương trình được tung hô, chờ đón, show nhận nhiều lời chê trong khoảng sáu, bảy năm trở lại đây.
Nhà biên kịch Chu Thơm nhận xét Táo quân ngày càng e dè trước những vấn đề "nóng", chỉ dừng ở mức gây cười như một show tạp kỹ. "Vấn đề lớn nhất của Táo Quân là khâu kịch bản thiếu sự mới lạ. Vài năm qua, chương trình có sự đổi mới về dàn diễn viên, thêm những nhân tố mới nhưng không vực dậy được chất lượng", ông nói.
Nhà báo, nhạc sĩ Hà Quang Minh nhận xét: "Cái khó của những người làm chương trình là bản thân họ đã ít tính chính luận trong suốt sự nghiệp của mình, nên đụng đến những vấn đề chính luận làm nền tảng cho châm biếm, họ không xoay xở tốt được".
Nghệ sĩ Quốc Thảo đánh giá chương trình giảm dần sức hút do thiếu tính sáng tạo, bất ngờ - yếu tố quyết định trong thể loại hài kịch. "Với tư cách là một khán giả, tôi thấy show đang dần đi vào lối mòn", Quốc Thảo nói. Theo anh, vấn đề lớn nhất của Táo quân không phải câu chuyện kiểm duyệt, bởi có những năm anh xem, show có nhiều màn đả kích mạnh tay, cười rất "đã".
Nghệ sĩ Chí Trung lý giải êkíp từ đạo diễn, biên kịch, diễn viên đều áp lực khi kể một câu chuyện trên khung sườn lặp đi lặp lại suốt 20 năm. Mỗi năm, êkíp đều nghiêm túc nhìn nhận những phản hồi của khán giả, chọn lọc vấn đề, góp phần nâng cao chất lượng chương trình. Mỗi nghệ sĩ đều đóng góp chi tiết, tình huống xây dựng kịch bản.
Tuy nhiên, Chí Trung cho biết có nhiều nội dung không thể muốn là làm được. Êkíp bình tĩnh đón nhận những bình luận tiêu cực. "Nó cũng giống như mù tạt, sầu riêng chẳng hạn, ai thích ăn thì khen ngon, ai không ăn được thì chê. Chương trình cũng không phải nồi lẩu thập cẩm, gom tất cả món mọi người yêu thích vào đó được", Chí Trung nói.
Đạo diễn Khải Hưng cũng cho rằng êkíp ngày nay gặp áp lực khi phải "chạy đua" với mạng xã hội, hoàn thành mọi khâu trong một tháng cận Tết. Với riêng chương trình năm nay, ông nhận định do thời gian có hạn, nhiều nghệ sĩ chưa thuộc thoại nhuần nhuyễn, nhấn nhá chưa đủ hay để gây cười.
Sau 20 năm, nhiều người đặt câu hỏi về việc Táo quân nên tiếp tục hay dừng lại. Nghệ sĩ Quốc Thảo nói: "Tôi nghĩ series đã hoàn thành sứ mệnh của mình là mang đến tiếng cười cho khán giả vào tối 30 Tết. Có lẽ chương trình đã đến lúc nên dừng lại để thay thế bằng một show khác, hoặc lột xác với một format mới, thay đổi từ diễn viên, biên kịch đến đạo diễn".
Nghệ sĩ Chí Trung để ngỏ khả năng Táo quân dừng sản xuất. "Nếu năm sau làm tiếp, tôi được mời và thấy phù hợp thì sẽ tham gia. Nếu nhà đài quyết định dừng lại, tôi và mọi người đành chấp nhận thôi", anh nói.
Nghệ sĩ Khải Hưng cho biết khi đến thăm êkíp, vào hậu trường các buổi ghi hình năm nay, ông cảm nhận cả đạo diễn Đỗ Thanh Hải và các nghệ sĩ không còn muốn làm số 21.
"Khi tôi làm Gặp nhau cuối tuần sáu năm và đi đến chặng cuối, nhiều người cũng chê. Đến khi chương trình dừng, khán giả lại tiếc nuối. Tuy nhiên, tôi nghĩ Táo quân nên đi đến kết thúc để êkíp có thể tập trung sáng tạo một format hay, mới mẻ, được đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn".
Đến nay, êkíp chương trình chưa phản hồi hoặc đưa ra thông báo cuối cùng trước ý kiến của khán giả.
Nhật Thu Huế