Tối 30 Tết Nguyên đán (ngày 4/2), nhiều gia đình quây quần trước tivi xem Táo quân trong ngày cuối năm. Hồng Anh (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ chị chỉ được nghỉ hết ngày mùng một Tết. Từ đầu giờ chiều 30, Hồng Anh đã hoàn tất việc dọn dẹp, cơm nước để quây quần cùng mẹ và các em xem Táo quân. "Nhiều người cho rằng chương trình nên dừng lại. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn háo hức đón xem mỗi đêm giao thừa", khán giả cho biết.
So với gala kỷ niệm 15 năm, chương trình năm nay gọn gàng hơn. Êkíp xây dựng bốn Táo quân phụ trách bốn lĩnh vực, gồm: Tự Long (giao thông), Quang Thắng (kinh tế), Vân Dung (xã hội), Chí Trung (giáo dục).
Táo Giáo dục Chí Trung trở thành tâm điểm bị chỉ trích. Anh bị Táo Giao thông chế giễu là "ngôi sao sáng" trong năm. Thiên Lôi và hai phó Thiên Lôi cũng vào chầu để hóng hớt liveshow "Giáo dục và những người bạn". Các Táo chỉ ra hàng loạt sự việc gây xôn xao dư luận trong ngành giáo dục như giáo viên tiểu học sử dụng ma túy tại tiệc sinh nhật, Bộ Giáo dục ban hành văn bản sinh viên sư phạm bán dâm bốn lần sẽ bị đuổi học, việc độc quyền sách giáo khoa gây tranh cãi. Sai phạm trong việc chấm điểm kỳ thi THPT quốc gia 2018 được Nam Tào, Bắc Đẩu xoáy sâu. Nhiều vụ giáo viên bạo hành học sinh cũng bị đả kích sâu cay. Nam Tào nhắc việc cô giáo cho 23 bạn cùng lớp tát học sinh, cho trò ăn phấn, uống nước giẻ lau bảng.
Trước những chỉ trích, Táo Giáo dục giãi bày những nỗi khổ của ngành. "Đầu vào không có, các em học sinh giỏi vào hết các ngành khác như công nghệ, tài chính, 'chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm"'. Khi ra trường, đồng lương thấp, đời sống bấp bênh khiến họ gặp nhiều áp lực dư luận. Bao nhiêu việc tốt không được nhắc đến, khi lỡ có lỗi lầm, cả xã hội quay lưng, phụ huynh đến trường đuổi đánh", Táo Giáo dục Chí Trung kể.
Phần báo cáo của Táo Giáo dục được nhiều khán giả lớn tuổi hưởng ứng. Ông Ngọc Ngà (70 tuổi, Hà Nội) đồng tình khi các nghệ sĩ nhắc lại chuyện học sinh hiện nay mang vác nhiều sách giáo khoa đi học, chương trình liên tục cải cách. Có hai cháu gái đang học cấp một, ông bày tỏ lo lắng khi nhớ lại những vụ giáo viên bạo hành học sinh năm qua.
Chương trình đả kích nạn hối lộ, đút lót lan tràn ở mọi ngành nghề. Trong vai hai phó Thiên Lôi, Duy Nam, Trung Ruồi đảm nhận nhiệm vụ đón các Táo vào chầu. Khi được Táo Giao thông đút lót, hai phó Thiên Lôi nhất định từ chối, đồng thanh hô "quyết không tham nhũng". Tinh thần này được Táo Giao thông ca ngợi, vị này nhận định: "Dưới hạ giới, cả người dân và cán bộ quen thói dúi, nhận phong bì. Người dân muốn xin việc nhanh thì phải dúi phong bì, xin cho con đi học cũng dúi phong bì, đi cấp cứu cũng đưa bác sĩ phong bì, lên phường xin dấu cũng cần phong bì".
Tuy nhiên, khi gặp Táo Kinh tế - một nhân vật lắm tiền nhiều của, hai phó thiên lôi lộ mặt là hai kẻ hám tiền, tham lam. Lợi dụng việc gần gũi Ngọc Hoàng và nghe ngóng một số chuyện, cặp thiên lôi dùng nhiều mánh khóe để moi tiền của Táo Kinh tế. Hành động này được cả ba gọi một cách trí trá là "lan tỏa yêu thương".
Trong vai bà cụ lên thiên đình nhờ vả được xin chứng nhận hộ nghèo, NSND Lan Hương gây xúc động. Nhân vật có câu thoại đả kích nạn tham ô, khiến nhiều khán giả hả hê. Khi được Nam Tào cho tiền lộ phí, bà nói: "Quan lấy tiền của dân thì được, dân làm sao lấy tiền của quan được".
Nhìn chung, các vấn đề thời sự, xã hội "nóng" trong năm 2018 đều được Táo quân 2019 nhắc đến. Câu chuyện "xả trạm" thu phí BOT được đề cập ngay trong phần mở đầu, khi Táo Giao thông cằn nhằn không thu được phí đường bộ. Nhân vật này cũng bị Ngọc Hoàng và Nam Tào cò quay khi bắt đổi từ "đường" thành "ồ hố" trong lúc báo cáo, nhằm đả kích việc đổi tên "trạm thu phí" thành "trạm thu giá". Dàn Táo quân cũng gợi lại việc nhiều quan chức cấp cao bị bắt, thực phẩm bẩn tràn lan, nhiều dự án kinh tế hàng nghìn tỷ bị đình trệ.
Táo quân 2019 tạo kịch tính qua màn soi gương, xem xét bản thân để công khai ưu, khuyết điểm, từ đó đánh giá mức độ tín nhiệm. Các Táo lộ tính cách hèn nhát, dám làm không dám chịu, giở nhiều thủ đoạn đùn đẩy, nói xấu đồng nghiệp... để trốn trách nhiệm.
Để làm giảm không khí căng thẳng, chương trình sử dụng nhiều câu nói hài hước, phổ biến trên mạng như "người anh em thiện lành", "họa mi ngừng hót". Các xu hướng văn hóa - giải trí được yêu thích trong năm 2018 như trào lưu xem phim Quỳnh Búp Bê, đi bão cổ vũ bóng đá... được lồng ghép, khiến khán giả thích thú.
Táo quân 2019 ghi điểm ở các khâu như phục trang, bối cảnh và diễn xuất của dàn nghệ sĩ. Trang phục dành cho nghệ sĩ đẹp, phù hợp với tính cách nhân vật, nội dung thông điệp chương trình muốn truyền tải. Nhà thiết kế Đức Hùng và êkíp phục trang của chương trình mất ba tháng hoàn thành hơn 100 bộ quần áo. Nhiều đạo cụ được đưa vào sử dụng, đặc biệt là chiếc gương khổng lồ để các quan chức soi xét. Màn ảo thuật, báo cáo đôi của Táo Xã hội - Kinh tế bắt mắt, sử dụng hiệu ứng pháo sáng, đưa Vân Dung - Quang Thắng lên cao.
Khán giả Thu Hiền (27 tuổi, Phú Thọ) bày tỏ tiếc nuối khi chương trình chỉ có bốn táo, thiếu đi Táo Y tế trong khi năm qua, câu chuyện 42 người Phú Thọ nhiễm HIV gây xôn xao, việc bé Hải An hiến giác mạc sau khi mất khiến phong trào hiến tạng lan tỏa. Một số khán giả từng đến xem các buổi ghi hình ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô nhận xét các phần mang tính châm biếm, đả kích quan được giữ lại trong bản phát sóng. Tuy nhiên, một số sự kiện "nóng", nhất là ở các ngành kinh tế, xã hội chưa được đề cập thâm thúy.
Táo quân 2019 gây chú ý ngay từ khi mới khởi động vì trước đó, thông tin seri hài dừng lại sau 15 năm khiến nhiều người xem tiếc nuối. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cho biết chương trình sẽ phát bản đầy đủ trên internet sau đêm giao thừa.
Hà Thu