Dù gây lo ngại về mặt đạo đức, nghiên cứu có thể cung cấp hiểu biết mới về sinh học phát triển và tiến hóa. Kết quả nghiên cứu cũng có nhiều ý nghĩa đối với phát triển mô hình mới cho ngành sinh học con người và dịch bệnh. Nhóm nghiên cứu công bố kết quả hôm 15/4 trên tạp chí Cell.
"Do không thể tiến hành một số loại thí nghiệm trên người, chúng ta cần lập mô hình tốt hơn để nghiên cứu chính xác hơn và hiểu rõ sinh học con người cũng như dịch bệnh", nhà nghiên cứu Juan Carlos Izpisua Belmonte, giáo sư Phòng thí nghiệm biểu hiện gene ở Viện Sinh học Salk, cho biết. "Mục tiêu quan trọng của sinh học thí nghiệm là phát triển hệ thống mô hình cho phép nghiên cứu dịch bệnh ở người trong cơ thể sống".
Loài lai từ động vật có vú xuất hiện vào thập niên 1970. Chúng được tạo ra ở chuột để nghiên cứu quá trình phát triển ban đầu. Thành tựu góp phần giúp nghiên cứu mới trở nên khả thi ra đời vào năm ngoái. Nhóm chuyên gia đứng đầu là Weizhi Ji ở Đại học Khoa học và Công nghệ Côn Minh tại Vân Nam, Trung Quốc, hoàn thiện công nghệ cho phép phôi thai khỉ sống sót và phát triển bên ngoài cơ thể trong thời gian dài.
Trong nghiên cứu gần đây, 6 ngày sau khi tạo ra phôi thai, các nhà nghiên cứu tiêm 25 tế bào người vào mỗi phôi thai. Tế bào được lấy từ dòng tế bào vạn năng cảm ứng gọi là tế bào gốc toàn năng, có thể hình thành các mô ở phôi thai. Sau một ngày, nhóm nghiên cứu phát hiện tế bào người ở 132 phôi thai. Sau 10 ngày, 103 phôi thai loài lai vẫn phát triển. Tỷ lệ sống sót nhanh chóng giảm dần. Tính đến ngày thứ 19, chỉ có 3 phôi thai loài lai còn tồn tại. Mặc dù vậy, tỷ lệ tế bào người ở các phôi thai vẫn cao trong suốt thời gian phát triển.
"Trong lịch sử, việc tạo loài lai giữa người và động vật bị ảnh hưởng bởi tính hiệu quả thấp và sự tích hợp tế bào người vào loài chủ", Izpisua Belmonte cho biết. "Tạo loài lai giữa người và linh trưởng không phải người, loài có quan hệ gần gũi với con người trên khung tiến hóa hơn so với mọi loài từng sử dụng trước đây, sẽ cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn liệu có rào cản nào với quá trình tạo loài lai và liệu chúng tôi có thể khắc phục bằng cách nào hay không".
Các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích phiên mã trên cả tế bào người và khỉ từ phôi thai. Từ phân tích, họ xác định một số lộ trình liên lạc mới hoặc đã được củng cố ở tế bào loài lai. Bước quan trọng tiếp theo của nghiên cứu là đánh giá chi tiết hơn mọi lộ trình phân tử liên quan tới liên lạc khác loài. Về lâu dài, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể sử dụng loài lai không chỉ trong quá trình phát triển ban đầu của con người và lập mô hình dịch bệnh, mà cả phát triển phương pháp mới đối với thử thuốc cũng như tạo tế bào, mô và nội tạng phục vụ cấy ghép.
An Khang (Theo Phys.org)