Các tế bào gốc này có khả năng tạo ra cả ba loại tế bào được tìm thấy trong phôi sớm. Nhà nghiên cứu Jun Wu, trường Đại học Trung tâm Y tế Texas Southwestern và cộng sự, thúc đẩy các tế bào gốc biến thành ba loại tế bào phôi và tự ghép thành các cấu trúc giống như phôi bằng cách ngâm chúng trong các chất dinh dưỡng và chất kích thích tăng trưởng.
Ông cho hay: "Về cơ bản, những tế bào này tự hoạt động - bạn có thể thấy các tế bào biến thành mô nhau thai sẽ di chuyển ra ngoài còn các tế bào khác hình thành bào thai sẽ di chuyển vào bên trong".
Sau đó, nhóm nghiên cứu cấy phôi nhân tạo vào trong tử cung của chuột cái và nhận thấy tỷ lệ cấy thành công là 7%. Một tuần sau, phôi cấy ghép được phẫu thuật cắt bỏ. Kiểm tra bằng kính hiển vi cho thấy phôi bắt đầu hình thành các cấu trúc thai nhi sớm, mặc dù có dị tật lớn. Cấu trúc mô và tổ chức mô không tốt như trong phôi bình thường. "Phôi vẫn có một số dị tật nên chúng ta vẫn cần nhiều nỗ lực để nghiên cứu thêm", ông nói.
Đây là thí nghiệm đầu tiên mà phôi nhân tạo bắt đầu phát triển thành mô bào thai trong tử cung. Các nghiên cứu trước đây tạo phôi chuột nhân tạo từ tế bào gốc nhưng các nhà nghiên cứu không cấy ghép thành công hoặc chỉ có thể tạo thành tế bào nhau thai chứ không phải các loại tế bào khác sau khi được cấy.
Jun Wu chia sẻ rằng, thách thức hiện nay là làm cách nào điều chỉnh phôi thai chuột nhân tạo để chúng hình thành thai nhi hoàn chỉnh. "Có thể là bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng, chất kích thích tăng trưởng giống với môi trường mà phôi thai thường hấp thụ trong cơ thể mẹ", ông nói.
Phôi nhân tạo được chế tạo theo cách này có khả năng được sử dụng để nghiên cứu các vấn đề sinh sản trong tương lai. Theo Jun Wu, chúng ta có thể lấy tế bào từ một người vô sinh, sử dụng chúng để tạo phôi nhân tạo, sau đó nghiên cứu sự phát triển trong phòng thí nghiệm để xác định bất kỳ nguyên nhân di truyền nào gây vô sinh. Cùng với khả năng thử nghiệm thuốc, điều này có thể giúp ngăn ngừa hoặc khắc phục các vấn đề liên quan đến vô sinh.
Thư Lương (Theo New Scientist)