Teo lép nửa mặt kèm tai nhỏ bẩm sinh (Microtia) là dị tật phức tạp. Cách điều trị là áp dụng kỹ thuật tạo hình tai bằng sụn sườn nên bệnh nhân phải mổ ít nhất 2 đến 4 lần. Em bé này đã được bác sĩ nhiều bệnh viện khám, song phải chờ bé hơn 10-12 tuổi mới có lồng ngực đủ lớn và đủ sức khỏe để phẫu thuật tạo hình tai. Tiếp theo, bé phải trải qua phẫu thuật cắt chỉnh xương hàm để điều trị bất đối xứng khuôn mặt. Đây cũng là một phẫu thuật lớn và nhiều nguy cơ biến chứng.
Lần này, bé 5 tuổi, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức quyết định sử dụng kỹ thuật tạo hình tai nhỏ bằng sụn nhân tạo Medpor, sau đó ghép mỡ tự thân giàu tế bào gốc để bù thể tích mặt teo lép. Kỹ thuật ghép mỡ tự thân có thể tiến hành sau phẫu thuật tạo hình tai hoặc kết hợp cùng lúc, ít nguy cơ biến chứng hơn nhiều so với phẫu thuật cắt chỉnh phần xương mặt.
"Ca phẫu thuật thành công, hiện bé có tai mới và khuôn mặt cân đối", PGS. TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, nói hôm 16/6.
Theo PGS Hà, nhờ kỹ thuật tạo hình tai một thì bằng khung sụn nhân tạo có ứng dụng nội soi và vi phẫu thuật, các bác sĩ đã mổ thành công hàng trăm ca tạo hình tai nhỏ cho các bé từ 4 đến 5 tuổi, giúp các bé không chịu áp lực về mặt thẩm mỹ và tâm lý.
Lê Nga