Theo Sina, sau khi đoàn phim điện ảnh Hồng lâu mộng: Kim ngọc lương duyên giới thiệu trailer đầu tiên hôm 20/3, trang phục và tư thế của Tần Khả Khanh vào top chủ đề gây chú ý trên Weibo. Nhiều người nhận xét Tần Khả Khanh giống "gái lầu xanh" hơn là phụ nữ trong gia tộc bề thế, gia giáo.
Các khán giả bình luận: "Trong truyện, Tần Khả Khanh đúng là phong lưu nhưng không bao giờ để lộ là người lẳng lơ, mồi chài đàn ông", "Phụ nữ ở phủ họ Giả đều là tiểu thư khuê các, đến a hoàn cũng phải chọn người có ý tứ hơn hẳn a hoàn những nhà khác. Quay Hồng lâu mộng thế này khác nào biến Đại Quan Viên (vườn trong phủ) thành lầu xanh", "Đây là phim Hồng lâu mộng hay Kim Bình Mai?".
Một bộ phận khán giả nói trang phục, biểu cảm của Tần Khả Khanh chấp nhận được, bởi khi chuyển thể thành phim điện ảnh, biên kịch phát triển nhân vật để gây kịch tính.
Trước tranh cãi của khán giả, đại diện đoàn phim giải thích đoạn trong trailer miêu tả lúc Giả Bảo Ngọc mộng du, mường tượng cảnh nam nữ ân ái, chứ không phải phim miêu tả Tần Khả Khanh như "gái lầu xanh". Hồng lâu mộng: Kim ngọc lương duyên do Hồ Mai đạo diễn, ghi hình năm 2018. Dàn diễn viên gồm Trương Miểu Di, Biên Thành, Quan Hiểu Đồng.
Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần, Tần Khả Khanh là vợ của Giả Dung - con trai của Giả Trân. Giả Bảo Ngọc là cháu họ của Tần Khả Khanh. Tần từng dẫn Giả Bảo Ngọc - lúc đó là chàng trai mới lớn - vào buồng ngủ của mình. Cách bài trí, tranh ảnh gợi cảm trong phòng đánh thức bản năng đàn ông của Giả Bảo Ngọc.
Ở truyện, Tần Khả Khanh chết sớm, nguyên nhân cái chết được miêu tả huyền bí, ẩn trong câu chữ của tác giả. Theo Mtime, một số nhà nghiên cứu Hồng học cho rằng Tần Khả Khanh quan hệ với bố chồng, bị a hoàn phát hiện nên tự tử.
Theo Business Insider, Hồng lâu mộng là một trong những cuốn sách được đọc nhiều nhất trên thế giới, với hơn 100 triệu bản được phát hành. Tiểu thuyết ra đời thời nhà Thanh, xoay quanh chuyện tình Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, qua đó miêu tả cuộc sống của một đại gia đình quý tộc từ lúc cực thịnh tới suy vong. Tác phẩm được ví là cuốn bách khoa toàn thư về ẩm thực, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, lễ nghi. Trong số danh tác cổ điển Trung Quốc, chỉ Hồng lâu mộng có ngành nghiên cứu riêng về tác phẩm, gọi là Hồng học.
Như Anh (theo Sina)