Dù chưa có kinh nghiệm thiết kế trang phục trong phim, Rob Goodwin, Justin Smith và Manuel Albarran vẫn được Angelina Jolie lựa chọn từ hai năm trước để vào đội thiết kế chuyên biệt cho nhân vật Maleficent.
Cùng đạo diễn Robert Stromberg, nhà thiết kế Anna Sheppard, trợ lý thiết kế Oliver Garcia và khoảng 15 thành viên khác trong đội thiết kế trang phục, họ phải chịu trách nhiệm biến cô thành nhân vật phản diện của Disney nhưng trông vẫn phải thật thời trang và đáng nhớ trên màn ảnh. Cả đoàn chỉ có tám tuần để hoàn thành tất cả mọi thứ. Để xây dựng cho Angelina Jolie hình ảnh nhân vật phản diện Disney vừa sang trọng vừa hắc ám, các nhà thiết kế đã dùng da, xương và thậm chí cả răng động vật để tạo hình.
Trang phục của bộ phim của Maleficent đi từ màu rêu và chất liệu bay bổng ban đầu, dần chuyển sang màu đen với các chất liệu càng lúc càng nặng nề. Lông thú giả, da thuộc và lông vũ được sử dụng rất nhiều để tạo nên kiểu cổ áo Gothic với phần gai nhọn sau lưng. Riêng chiếc áo choàng dài màu đen đầy quyền lực của Angelina là kết quả của quá trình lựa chọn hơn 50 mẫu vải đen khác nhau. Nhưng phần trang phục này được đánh giá là dễ lựa chọn nhất trong toàn bộ quá trình, vì những phụ kiện xung quanh còn phức tạp hơn nhiều.
Justin Smith thiết kế chiếc sừng của Maleficent với đủ các chất liệu đặc biệt như da trăn, da rắn, da cá đuối và lông đà điểu, tạo cảm giác đáng sợ nhưng vẫn đủ cho thấy vẻ cao cấp. Kiểu dáng của nó hoàn toàn giống với nguyên tác năm 1959. Tổng cộng, họ cho ra đời 6 kiểu sừng khác nhau, tương ứng với những mùa và sự kiện trong phim: mùa xuân, mùa hạ, lễ rửa tội cho công chúa Aurora...
Tuy có thể đội vào gỡ ra hàng ngày, việc đội chiếc sừng dài khoảng 30 cm này cũng rất vất vả, mặc dù nhóm thiết kế đã dùng một loại nhựa resin siêu nhẹ. Chiếc sừng kín mít đôi khi gây cho Angelina những cơn đau đầu và che hai tai nên có lúc cô nghe không rõ. Bên cạnh đó, tất cả phụ kiện của Tiên Hắc Ám đều được chuyên gia Albarran làm từ chất liệu đặc biệt như tóc người, răng và xương động vật, bên các chất liệu truyền thống như lông vũ, đá quý, pha lê...
Trong phim, Tiên Hắc Ám không thể chạm vào kim loại, vì vậy tạo hình nhân vật hoàn toàn không có chất liệu này, hoặc nếu có cũng phải được bọc bằng da, như nhẫn xương trắng hếu, vòng tay kết từ móng vuốt hay phần cầu vai đính lông vũ...
Với giày cao gót, Rob Goodwin sáng tạo lại một mẫu giày của nhà mốt Vivienne Westwood, mẫu mà diễn viên Angelina Jolie dùng thường ngày. Họ bọc da thuộc toàn bộ, thay phần gót bằng xương được chạm khắc khá nghệ thuật. Theo nhà thiết kế, ý tưởng đó giúp nhân vật Tiên Hắc Ám "ít giống người hơn".
Phần trang điểm cho Maleficent cũng mang nhiều thay đổi so với nguyên tác. Thay vì sở hữu làn da xanh xao như trong phim, cả đội vẫn muốn Angelina trông thật đẹp và quyến rũ. Cô được đeo mi giả, gắn kính áp tròng màu xanh, đánh mắt khói, tạo khối gò má cao, tô son đỏ rực làm điểm nhấn trên gương mặt và sơn móng màu đen ngọc trai bóng bẩy, sang trọng.
Bộ ba Goodwin, Smith và Albarran được đánh giá đã làm nên một tạo hình Maleficent ấn tượng nên nhà thiết kế Anna Sheppard chỉ phải tập trung vào phần trang phục còn lại của phim: từ áo giáp quân đội hoàng gia, trang phục hoang dại của tiên rừng cho đến phong cách ngọt ngào nhưng trưởng thành của nàng công chúa ngây thơ Aurora.
Hầu hết trang phục trong phim đều lấy cảm hứng từ thời trung cổ mà theo nhà thiết kế Anna Sheppard thì trải dài từ thế kỷ 13 đến giai đoạn Phục hưng, sát với phiên bản gốc 1959. Tuy nhiên các nhà thiết kế muốn đưa hơi hướng đương đại vào trong thiết kế cổ điển. Qua nhiều nghiên cứu thời trang, cả đội đã bổ sung thêm vào bộ phim phong cách của các nhà thiết kế Nhật Bản, Đông Âu và đặc biệt của nhà mốt Alexander McQueen.
Sao Mai