Đoàn phim Hồng lâu mộng được thành lập cách đây tròn 40 năm, với nhiều thành phần, gồm đạo diễn, đội ngũ cố vấn, biên kịch, hóa trang. Theo Mtime, từ năm 1983, êkíp dấy lên nhiều chủ đề thảo luận khi công bố chọn diễn viên trên toàn Trung Quốc, nam thanh nữ tú cạnh tranh kịch liệt để có được vai diễn. Phim bấm máy năm 1984, quay trong hơn ba năm.
Hồng lâu mộng 1987 trở thành tác phẩm kinh điển của màn ảnh Hoa ngữ. Qua bốn thập niên, phim vẫn làm người xem thán phục về trình độ sản xuất. Hồi tháng 7, Dương Thụ Vân - người phụ trách tạo hình cho hơn 100 nhân vật trong phim - đăng trên trang cá nhân bức vẽ phác thảo cách làm tóc, hóa trang cho nhân vật Lâm Đại Ngọc, thu hút chú ý của khán giả.
Trên CCTV, chuyên gia hóa trang cho biết ông đọc tiểu thuyết bảy lần, tham khảo ý kiến của các chuyên gia Hồng học (bộ môn chuyên nghiên cứu về Hồng lâu mộng). Dương Thụ Vân nghiên cứu, làm việc đến "tẩu hỏa nhập ma", tìm được cảm hứng sáng tạo trong mơ.
Nhân vật tốn nhiều thời gian suy nghĩ nhất là Lâm Đại Ngọc. Trong tiểu thuyết, Tào Tuyết Cần miêu tả nàng có đôi lông mày "quyến yên, dường như nhíu mà lại không nhíu, đôi mắt như sương sớm, giống giọt lệ mà không phải lệ".
Miêu tả của tác giả làm khó Dương Thụ Vân. Là chuyên gia về hóa trang thời cổ đại nhưng Dương Thụ Vân không thể hình dung nổi lông mày "quyến yên" là gì. Ông tìm đọc loạt tư liệu cổ từ Tây Kinh tạp ký đến Dương Thái Chân ngoại truyện, từ Hậu Hán thư đến Trang Tử Thiên Vận nhưng những sách này đều không có từ "quyến yên".
Cuối cùng, Dương Thụ Vân tìm thấy hai chữ trong bài thơ của Quách Mẫn thời Thanh, từ đó mường tượng đôi lông mày của nhân vật cong vừa phải, mảnh dẻ. Sau một lần đi dạo trên bờ đê, nhìn búp liễu trong sương, hình ảnh lông mày Đại Ngọc hiện lên trong đầu Dương Thụ Vân, ông lập tức vẽ phác thảo.
Trong phim, nhân vật Lâm Đại Ngọc mặc hơn 40 bộ đồ, mỗi trang phục, Dương Thụ Vân để kiểu tóc, phụ kiện khác nhau. Kiểu tóc của Lâm Đại Ngọc được lấy cảm hứng từ lối làm tóc búi hoa bách hợp thời cổ đại, vì thế ở nhiều cảnh quay, mái tóc của nhân vật như một bông hoa.
Dương Thụ Vân cho biết lần đầu hóa trang cho Trần Hiểu Húc, thấy bản thân trong gương, diễn viên chảy nước mắt. Cô nói: "Thầy Dương, sao cháu thấy cháu đáng thương thế này". Sau khi được hóa trang, Hiểu Húc cảm thấy cô chính là nhân vật.
Một số tạo hình Lâm Đại Ngọc tốn nhiều thời gian hóa trang. Ở cảnh nhân vật lần đầu tới Giả phủ, đạo diễn muốn quay bàn tay nhân vật, thể hiện sự mềm mại, yếu ớt. Dương Thụ Vân vài lần hóa trang cánh tay nhưng không ưng ý, phải rửa đi để làm lại. Bấy giờ, sản phẩm hóa trang chưa đa dạng, một số loại phấn khi lên hình trông không tự nhiên, không đạt hiệu quả hình ảnh như đạo diễn yêu cầu.
Sau đó, ông chọn cách bôi kem dưỡng tay, đánh phấn, tô móng màu trắng. Chuyên gia hóa trang tốn hai giờ để trang điểm bàn tay cho Trần Hiểu Húc. Lúc bấm máy, Dương Thụ Vân theo dõi máy quay, cảm thấy ánh sáng quá gắt, ông đề nghị nhân viên dùng tấm hắt điều chỉnh nguồn sáng.
Dương Thụ Vân tự làm nhiều phục sức cho Trần Hiểu Húc và các nhân vật khác. Nguyên liệu là những thứ dễ kiếm trong đời thường. Nhờ khéo tay, biết cách tạo hình và sơn màu, ông tạo nên những hoa cài đầu, mũ phù hợp nhân vật và tình tiết phim. Ngoài tác phẩm này, ông phụ trách tạo hình cho các phim Võ Tắc Thiên 1994, Lên nhầm kiệu hoa được chồng như ý...
Dương Thụ Vân tâm đắc khi đạo diễn chọn Trần Hiểu Húc đóng vai chính. Bấy giờ, hơn 30.000 người đăng ký thử vai, Hiểu Húc được chọn nhờ am hiểu tiểu thuyết và nhân vật, ngoại hình phù hợp miêu tả trong nguyên tác. Quá trình rèn luyện, đào tạo trước khi bấm máy, cô cũng thể hiện sự khao khát, quyết tâm đóng nhân vật. Trần Hiểu Húc từng nói với đạo diễn Vương Phù Lâm: "Nếu cháu không đóng Lâm Đại Ngọc, khán giả sẽ nghĩ sao Lâm Đại Ngọc lại đóng nhân vật khác".
Nhiều khán giả cho rằng Trần Hiểu Húc là hóa thân của Lâm Đại Ngọc, cô đến với đời để diễn nhân vật. Trên The Paper, đạo diễn Vương Phù Lâm từng nói: "Trần Hiểu Húc không quá xinh đẹp song cô ấy có khí chất của Lâm Đại Ngọc. Khí chất đó không phải diễn giỏi là có thể diễn ra được". Phim xoay quanh mối tình trắc trở giữa Giả Bảo Ngọc (Âu Dương Phấn Cường) và Lâm Đại Ngọc, qua đó mô tả cuộc sống của một đại gia đình quý tộc từ cực thịnh cho đến suy vi trong vòng tám năm.
Trần Hiểu Húc sinh năm 1965, trong gia đình nghệ thuật ở tỉnh Liêu Ninh. Vì con gái chào đời vào buổi bình minh, cha cô đặt tên con là Hiểu Húc (nghĩa là ánh nắng buổi sớm mai). Lúc mới sinh, thấy con gái không mấy khỏe mạnh, cha của Trần Hiểu Húc nói với vợ: "Con gái yếu ớt thế này, anh mong sau này con sẽ đầy sức sống như ánh mặt trời lúc sáng sớm, rạng rỡ và vui vẻ".
Sau Hồng lâu mộng, Trần Hiểu Húc đóng ba phim khác, tiếp đó chuyển sang làm nhà sản xuất, thành lập công ty lĩnh vực quảng cáo. Nghệ sĩ xuất gia đầu năm 2007, qua đời tại chùa cùng năm vì bệnh ung thư vú.
Nghinh Xuân