Thứ năm, 2/1/2025
Thứ tư, 1/5/2024, 13:00 (GMT+7)

Tạo hình dàn sao đóng 'Ngày xửa ngày xưa 35'

TP HCMMỹ Duyên hóa công chúa Ai Cập, Đại Nghĩa đóng vai phản diện Thần Bóng Đêm, trong "Ngày xửa ngày xưa 35" - series kịch thiếu nhi được yêu thích.

Series kịch trở lại vào hai ngày 30/4-1/5 tại Nhà hát Bến Thành (quận 1), sớm hơn so với mọi năm. Kịch bản lấy cảm hứng từ chuyến phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad, tiếp nối câu chuyện của "Ngày xửa ngày xưa 33" năm 2022. Ở tác phẩm mới, nhóm Sinbad nhận được lá thư thỉnh cầu của công chúa Ai Cập vì mắt thần - báu vật của đất nước - bỗng dưng bị đánh cắp.

Đình Toàn (giữa) đóng vai chính - Sinbad, đồng thời là đạo diễn chương trình. Anh cho biết kinh phí dựng vở phần lớn nằm ở khâu cảnh trí, phục trang với 150 bộ may mới, vượt trội so với các mùa trước. Bối cảnh chính - hoàng cung Ai Cập - được đầu tư với mô hình kim tự tháp lớn, hệ thống chiếu đèn laser.

Từ phải qua: Đình Toàn cùng Hòa Hiệp, Đông Hải - đóng hai đồng đội thân thiết cùng Sinbad chinh phục chuyến phiêu lưu mới. Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc Idecaf - cho biết hầu hết vé các suất tháng 5 đã được bán hết, chỉ còn một ít trên lầu. Êkíp đang phát hành vé tháng 6, dự kiến tiếp tục diễn đến tháng 8, mỗi tháng bình quân 15 suất.

Mỹ Uyên vào vai công chúa Ai Cập. So với các phần trước, nghệ sĩ được tạo hình mạnh mẽ hơn, tính cách khảng khái, sẵn sàng dấn thân để đổi lại sự an toàn cho hoàng tộc.

Đình Toàn, Mỹ Duyên có nhiều cảnh diễn chung khi các tình tiết giữa Sinbad và công chúa được thêm thắt nhiều hơn so với các phần trước.

Thanh Thủy (phải) đóng Nữ thần sông Nile, nước mắt của bà tạo nên con sông huyền thoại. Hoàng Trinh vào vai Nữ hoàng Ai Cập, có nhiều khoảnh khắc đấu khẩu cùng Nữ thần.

Đại Nghĩa đóng phản diện chính của kịch - thầy tư tế, người có hành tung bất chính, âm mưu tạo phản trong triều đình. Thực chất, ông là Thần Bóng Đêm với khả năng biến hóa thành người khác, lừa nhóm Sinbad vào chỗ nguy hiểm.

Ngoài vai Pharaoh, Quang Thảo còn là tác giả kịch bản phần mới. Anh cho biết nhiều tình huống bám sát đời sống khán giả trẻ hơn với những câu thoại "bắt trend". Chẳng hạn, ở một cảnh, nghệ sĩ dựng lại một tiết mục gây sốt trong show thực tế "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" (2023).

Tiết mục "Đại minh tinh" của "Ngày xửa ngày xưa 35" của buổi phúc khảo
 
 

Tiết mục "Đại minh tinh" của "Ngày xửa ngày xưa 35" ở buổi phúc khảo. Video: Mai Nhật

Cẩm Hò - quán quân "Cặp đôi hài hước 2020" - có nhiều khoảnh khắc vui nhộn khi đóng vai chú chim làm cầu nối giữa Sinbad và công chúa.

Êkíp cho biết năm nay đặt mục tiêu diễn 40-45 suất. Năm 2023, mùa cuối cùng có Thành Lộc, Hữu Châu tham gia, chương trình đạt tổng cộng 62 suất diễn - số lượng kỷ lục.

Ngày xửa ngày xưa là chương trình nhạc kịch thiếu nhi do sân khấu kịch Idecaf sản xuất từ năm 2000 đến nay. Loạt chương trình trở thành thương hiệu được trẻ em yêu thích hơn 20 năm qua. Trong mỗi câu chuyện cổ tích, các nghệ sĩ gửi gắm những bài học đối nhân xử thế, qua các vở như: Tấm Cám, Nàng công chúa ngủ trong rừng, Aladdin và đủ thứ thần, Chuyện thần tiên xứ phù tang. Năm 2022, khi trở lại sau hai năm hoãn vì dịch, chương trình được hưởng ứng với tổng cộng 55 suất.

Mai Nhật
Ảnh: Trâm Thảo