Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải chiều 5/6, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề, với dự án cao tốc Bắc Nam, nếu có cách làm tốt thì "sẽ huy động được nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong nước và người dân thông qua phát hành trái phiếu, qua đó giảm gánh nặng nợ nước ngoài".
"Chính phủ có biện pháp gì để cao tốc Bắc Nam bảo đảm không lặp lại những vấn nạn và hệ lụy của việc chọn thầu dựa vào giá rẻ, sau đó đội vốn nhiều lần, công nghệ thấp, chất lượng kém", ông chất vấn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, cao tốc Bắc Nam là công trình trọng điểm quốc gia nên phải lấy chất lượng làm hàng đầu. Vì vậy, Bộ Giao thông sẽ kiểm soát các đơn vị tư vấn, thi công... chặt chẽ ngay từ đầu, thậm chí kiến nghị Chính phủ thuê tư vấn nước ngoài giám sát để đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
"Công trình trọng điểm quốc gia mà kém chất lượng thì rất nguy hiểm", ông Thể nói và cho hay, ngành giao thông đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia đấu thầu cao tốc Bắc Nam, cho phép hình thành các liên doanh. Bên cạnh đó, ông Thể cũng đồng ý nếu tổ chức được các gói tín dụng, phát hành trái phiếu để huy động từ dân thì dự án có ý nghĩa toàn diện hơn.
Làm rõ thêm vấn đề, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói, thời gian tới các đơn vị liên quan sẽ đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu để đầu tư tuyến cao tốc Bắc Nam và sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ông Dũng, quan điểm của Thủ tướng là phải lựa chọn nhà thầu công khai theo đúng quy định của pháp luật, ưu tiên các nhà thầu trong nước đủ năng lực. Với nhà đầu tư nước ngoài phải là những nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, uy tín đã được kiểm chứng.
'Không để xảy ra tình trạng đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông", Phó thủ tướng nói.
Trước đó báo cáo với Quốc hội, Bộ Giao thông cho biết việc lựa chọn nhà thầu áp dụng hình thức đầu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 giai đoạn sơ tuyển quốc tế và giai đoạn đầu thầu. Đã có 24 nhà đầu tư trong nước, 6 nhà đầu tư Trung Quốc, 2 của Nhật Bản, một của Pháp và một từ Hàn Quốc mua hồ sơ.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phê duyệt hồ sơ mời thầu toàn bộ 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam vào khoảng đầu tháng 10/2019. Quá trình thẩm định, phê duyệt và chọn nhà đầu tư, tổ chức đàm phán, ký hợp đồng... sẽ kết thúc trong tháng 4/2020.
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654 km, chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng vốn khoảng 118.000 tỷ đồng. Gần 64.000 tỷ đồng sẽ được huy động ngoài vốn ngân sách.
Trong đó, 3 dự án đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long) có chiều dài hơn 120 km, tổng vốn Nhà nước hơn 14.200 tỷ đồng.
8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài hơn 533 km, với tổng mức đầu tư hơn 88.200 tỷ đồng (vốn BOT hơn 51.700 tỷ đồng, vốn nhà nước khoảng 36.500 tỷ đồng).