Kể từ khi có chương trình Shark tank Việt Nam mùa 4, cả gia đình tôi đều theo dõi và gần như không bỏ tập nào. Tony bước sang tuổi 12 và cũng thường xuyên xem cùng ba mẹ. Trong những tập đầu, con chưa hiểu và có vẻ không hứng thú lắm. Song, khi con cùng xem, thấy ba mẹ thảo luận, đã bắt đầu chú ý và có những câu hỏi rất ngây thơ như: "sao lại gọi shark Liên là bà ngoại?", "Sao bà ngoại lại cắt tóc con trai vậy?", cho tới những câu hỏi cứng cáp và có logic hơn "sao họ được làm cá mập?" và "họ làm gì để có nhiều tiền?"...
Tôi và chồng giải thích cho con để được làm "cá mập" họ phải thật giàu có và có nhiều tiền. Và lý do họ có nhiều tiền là do họ làm rất nhiều việc, là chủ của tập đoàn lớn và họ mang tiền đi đầu tư để sinh lời. Sau đó, từ những khoản lời nhỏ trở thành những khoản lời to và vì vậy càng ngày họ càng có nhiều tiền.
Tony có vẻ rất tập trung vào câu chuyện của ba mẹ, nhưng có chút bối rối vì con vẫn chưa thực sự hiểu. Tôi nhanh nhảu hỏi con: "Tony, nếu giờ mẹ cho con một khoản tiền thì con sẽ làm gì?", "Con sẽ mang tiền đi đầu tư", Tony nói.
Đúng là một ý hay. Học cần đi đôi với hành thì mới thấm, tôi quyết định sẽ đầu tư vào con một khoản nhỏ. Tôi cho Tony 100.000 đồng và thử thách con tìm kênh đầu tư để sinh lời. Tony có vẻ lúng túng khi nhận tiền từ mẹ, vì con chưa nghĩ ra sẽ cần làm gì.
Sau một tuần, tôi vẫn chưa thấy con nói gì về khoản đầu tư, tôi nhắc nhở với vẻ hối thúc, một phần để con biết tôi vẫn để tâm 100.000 đồng kia và một phần tôi muốn tạo áp lực để con phải tìm cách.
Tôi có một đám rau nhỏ phía trước nhà, đợt này nghỉ dịch nên càng tập trung làm nhiều hơn, vì nghe nói lúc này "nhà ai có rau người ấy giàu có". Mỗi chiều Tony đều ra làm rau với mẹ. Con hỏi nhiều về quá trình làm của tôi, từ việc làm đất, làm cỏ, rồi lấy hạt ở đâu để gieo và chăm cây thế nào? Vừa làm, tôi vừa chỉ cho con và để con làm cùng mình. Từ những việc nhỏ vậy đã làm nảy sinh trong con một kế hoạch: "con sẽ đầu tư vào trồng rau nhé mẹ".
Tôi im lặng và nghe con nói tiếp: "mẹ cho con một miếng đất nhỏ, con sẽ mua hạt về trồng rau rồi bán lại cho mẹ nhé". "Được đấy", tôi nói với vẻ khuyến khích: "con sẽ trồng rau gì?". Tony nghĩ một chút rồi trả lời: "trồng rau cải và mồng tơi ạ". "Sao con lại trồng 2 loại rau đó", tôi nói, Tony trả lời: "Con thấy nhà mình ăn rau này nhiều nhất". Chính xác là vậy, nhà tôi vẫn rất thích canh cua mồng tơi, đây đúng là một ý tưởng hay của con, nên tôi nhiệt liệt ủng hộ, ít nhất con đã tìm ra kênh đầu tư của mình.
"Con sẽ bán thế nào?", tôi hỏi. Câu hỏi này khó rồi, vì Tony chưa từng đi chợ, chỉ là hay đi siêu thị cùng mẹ, nhưng con ít khi để ý đến rau, mà chỉ thường để ý các loại bánh và nước ngọt.
"Mỗi ngày mẹ đi chợ mua rau hết bao nhiêu ạ?", Tony hỏi. "Cũng tùy, nếu là rau ngoài chợ thì 10.000 đồng một bó. Còn rau sạch trong siêu thị thì đắt hơn đấy, có khi tới 28.000 đồng một bó", tôi trả lời chi tiết cho con.
"Con bán 28.000 nghìn đồng một bó", Tony nhanh nhảu. "Sao đắt thế?", tôi nhíu mày thắc mắc. "Thì con trồng rau sạch mà", con cười với vẻ đắc ý. "Ok", tôi không trả giá thêm nữa, xem như tạo điều kiện cho con lần này.
Tony đưa cho tôi 30.000 đồng là chi phí gốc để mua hạt và những ngày sau đó, gia đình tôi bắt đầu trồng rau cải và mồng tơi. Sau một tuần thì rau bắt đầu mọc, nhưng phát sinh chi phí mua phân để tưới nên tôi đã nói với con cần thêm 20,000 đồng nữa. Thật may mắn là rau đã lên rất tốt và mỗi lần hái, tôi sẽ phải trả cho Tony 28.000 đồng. Chúng tôi dự tính, nếu ăn hết đám rau này chắc tôi sẽ phải rút hầu bao khá nhiều đấy.
Sau 4 lần hái ăn, Tony đã thu được 112.000 đồng, cộng với 50.000 đồng tiền gốc còn lại, con đã có lời một khoản đấy. Thấy con đem thành quả ra khoe, tôi hỏi con sẽ làm gì với tiền này thì Tony nói "muốn đầu tư tiếp". Chắc thấy dễ kiếm tiền đây mà!
"Tiếp tục đầu tư để tiền sinh ra tiền cũng là cách tốt, nhưng con cũng nên tiết kiệm đấy", tôi nói với con vì với mỗi khoản tiền làm ra, chúng ta nên dành khoảng 10% để tiết kiệm, như vậy sẽ giúp con có khoản dự phòng khi cần thiết hoặc để mua đồ cho năm học sắp tới. Tony đồng ý và con đã bỏ khoản tiền lời được vào heo để tiết kiệm, phần vốn 100.000 đồng, con tiếp tục đưa cho tôi để mua hạt trồng rau.
Việc kiếm tiền và quản lý tiền vẫn là một kỹ năng khó mà ngay cả người lớn cũng chưa làm tốt. Để con tiếp cận với tiền và hướng dẫn con từng chút cũng là cách để giúp con rèn luyện kỹ năng này. Tôi đã tạo điều kiện để con biết kiếm tiền như vậy và vẫn đang áp dụng. Tôi hy vọng đây cũng là một ý tưởng để các phụ huynh tham khảo!
Nguyễn Thị Thanh Tâm
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây.