Trong một thí nghiệm gần đây, tảo được đưa bằng khinh khí cầu lên độ cao 30.000 m và đã sống sót trong 4 giờ ở nhiệt độ thấp hơn -30°C với ánh sáng cực tím cường độ cao và thiếu oxy, Tân Hoa Xã hôm 28/12 đưa tin.
Đây là thí nghiệm thứ 4 được thực hiện bởi Viện Thủy sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc kể từ năm 2019. Ba thí nghiệm trước đó được tiến hành tại các môi trường khắc nghiệt ở khu tự trị Nội Mông và khu tự trị Tân Cương.
Kết quả đã cho thấy tảo vẫn sống sót khỏe mạnh trong điều kiện mô phỏng sao Hỏa, mặc dù vậy, vẫn cần thêm những thí nghiệm sâu hơn để kiểm tra xem liệu chúng có thể phát triển hoặc thậm chí sinh sôi trên bề mặt hành tinh đỏ hay không, nhà nghiên cứu Wang Gaohong tại Viện Thủy văn học lưu ý.
Tảo đã từng bước thay đổi và cải thiện môi trường của Trái Đất kể từ khi nhóm thực vật này xuất hiện vào buổi sơ khai. Giám đốc Hiệp hội Khoa học Trung Quốc Liu Yongding tin rằng chúng rất quan trọng đối với nguồn gốc và sự tiến hóa của các loài trên hành tinh của chúng ta.
Tảo là nguồn sản xuất oxy của Trái Đất và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của sinh quyển. Chúng tiêu thụ carbon dioxide (CO2) và tạo ra oxy, hỗ trợ sự sống phát triển. Điều này sẽ rất hữu ích vì bầu khí quyển sao Hỏa chủ yếu được tạo thành từ CO2.
Liu nhấn mạnh rằng các điều kiện trên sao Hỏa rất giống với hành tinh của chúng ta trong thưở sơ khai. Vì vậy, tảo có thể là chìa khóa cho tham vọng chinh phục và định cư trên hành tinh đỏ của con người.
Theo Giáo sư Xiao Long tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, thí nghiệm kiểm tra tác động của bức xạ cường độ cao từ ngoài không gian lên tảo có ý nghĩa rất quan trọng trước khi đưa sinh vật này lên sao Hỏa, nơi không có "từ trường toàn cầu" để chắn bức xạ từ vũ trụ và Mặt Trời.
Đoàn Dương (Theo Tân Hoa Xã)