Giao cho con nhiệm vụ phải hoàn thành
Gia đình tôi tự kinh doanh nên công việc tất bật từ sáng đến tối. Vì bố mẹ bận nên các con cũng phải tự lập công việc nhà từ khá sớm. Thanh Tùng bắt đầu biết cắm cơm, luộc rau từ khi còn 6 tuổi. Tôi hướng dẫn các con làm quen với công việc. Sau đó thì giao luôn nhiệm vụ khi thấy các con đã cứng cỏi. Hai anh em được mẹ chia làm các công việc nhẹ trong gia đình như: nấu cơm, nhặt và luộc rau, quét nhà, dọn phòng, giặt áo quần, gấp đồ. Đó là những công việc các con cần hoàn thành khi là một thành viên của gia đình, nên sẽ không được trả công. Nhưng nếu làm tốt, đầy đủ tôi thường khen và thưởng cho các con bằng cách mua đồ ăn, bánh kẹo.
Tạo cho con cơ hội kiếm tiền
Tôi nghĩ có thể dạy cho các con biết cách kiếm tiền từ rất nhiều khâu nhỏ của việc kinh doanh trong gia đình. Vì vậy, tôi thuê các con làm việc cho mình rồi trả công xứng đáng. Ban đầu tôi thuê con lau lá chuối, đếm và xếp từng chục nem rồi dùng dây su cột lại, xách đồ cho khách... sẽ được trả công từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng. Tôi thấy các con rất hào hứng mỗi khi làm những việc này. Tiền tôi trả thường hướng dẫn các con bỏ vào heo tiết kiệm, vì bánh kẹo đồ chơi mẹ đã mua làm phần thưởng khi con giúp việc nhà. Hai con cũng nghe lời và làm theo lời mẹ, các con có heo riêng tiền của ai thì bỏ riêng vào heo của người đó.
Sau này khi con lớn dần lên, tôi trao thêm cơ hội kiếm tiền bằng những việc phù hợp với độ tuổi, nhưng lúc này tôi tập trung nhiều hơn vào con trai lớn Tuấn Tú. Tôi gợi mở cho con về ý tưởng của mình rồi thuyết phục con đồng ý. Chúng tôi lập một kế hoạch theo thời gian biểu cho từng ngày. Ngoài học hành, việc nhà sẽ có hai khung giờ con làm việc cho mẹ như một nhân công: 5h sáng quét dọn khu vực làm hàng và 17h30 chiều kiểm tra điện thoại ghi đơn hàng, tổng hợp số lượng hàng sẽ phải giao cho khách vào sáng hôm sau.
Thời gian biểu như một công cụ hiệu quả giúp con luôn tự giác và Tú biết chính xác tất cả việc hình cần phải làm, hoàn thành như thế nào. Mỗi ngày khi hoàn thành đầy đủ và đúng giờ con sẽ được trả 50.000 đồng. Hôm nào con không phải đi học thêm buổi chiều thì thường được chọn là giúp mẹ lau lá chuối, cuốn và cột nem, sắp xếp đơn hàng hoặc đi đá bóng với các bạn.
Thi thoảng tôi còn nhờ con đi thu tiền hàng giúp. Lúc đầu con đi thu thường hay bị khách hàng bớt các khoản tiền lẻ 10.000 đến 20.000 đồng. Con cũng chưa biết cách nào để thuyết phục họ trả đầy đủ cho mẹ. Vì thế tôi tiếp tục thử thách con "Nếu con thu được đầy đủ số tiền theo đúng các khoản mẹ ghi trong sổ, thì mỗi một đơn như vậy mẹ trả con thêm 5.000 đồng". Đây là một khoản kiếm thêm khá hời với con. Có những ngày tính tổng tiền con nhận được cũng 80.000 đồng-100.000 đồng, tú đều bỏ heo để tiết kiệm, khi nào cần dùng mới lấy ra.
Cho con tự quyết định việc chi tiêu.
Vợ chồng tôi thường để con tự quyết định việc chi tiêu số tiền mà con có. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nhắc nhở con về việc chi tiêu sao cho hợp lý vì con đã rất vất vả mới kiếm ra được. Con cần cân nhắc kỹ trước khi tiêu, chi tiêu vào những việc chính đáng. Và đừng bao giờ dùng hết khoản tiền ấy. Vì nếu con có thể kiếm ra tiền từ lúc 10 tuổi và tiết kiệm nó đến lúc đi đại học, con sẽ có cả một khoản lớn để đầu tư vào một việc lớn lao. Đó có thể là việc kinh doanh riêng hoặc mua tài sản riêng cho con.
Tùng thường dùng tiền của mình để chi tiêu các khoản cá nhân mà không bao giờ xin từ bố mẹ. Có khoản tiêu nào lớn con đều hỏi ý kiến mẹ. Những thói quen này giúp con có tính trách nhiệm hơn khi tiêu tiền, thận trọng và luôn cân nhắc về các khoản sẽ chi. Đó là những yếu tố đầu tiên trong việc quản lý tài chính hiệu quả, rất cần thiết cho con sau này.
Học cách đầu tư từ tiền mình kiếm được
Một lần Tùng tâm sự: "Anh Quân nhà bác Thủy bán giày cho các bạn lớp anh ấy kiếm được nhiều tiền lắm mẹ. Anh ấy còn mua được cả iPhone. Con hỏi ý kiến mẹ xem con có nên đầu tư để bán giày như anh Quân không". tôi khuyên con nên nói chuyện với anh để nhờ anh chỉ dạy vì mẹ không rành về lĩnh vực này. Sau đó con về bảo "Anh Quân nói con đang còn nhỏ chưa làm được nhưng có thể gốp vốn với anh rồi anh chia tiền lãi". Tôi đồng ý rồi cùng con nói chuyện với anh Quân để bắt đầu vụ làm ăn đầu tiên này của con.
Tôi cũng trò chuyện để con hiểu thêm về chuyện đầu tư, hợp tác làm ăn với một ai đó cần phải trao đổi kỹ, rõ ràng từng đồng tiền và từng nhiệm vụ. Con nên làm một bản hợp đồng đơn giản, để cam kết về nhiệm vụ, cũng như quyền lợi của các bên. Tránh việc gian lận hoặc thất hứa sau này. Tôi soạn giúp con một bản hợp đồng nhỏ, chủ yếu là phân chia công việc cụ thể hai anh em cần làm: anh Quân phụ trách việc đăng bài, tư vấn cho khách, chốt đơn và nhận tiền. Tùng sẽ phụ anh việc soạn đơn hàng để gửi khách và cuối mỗi tháng sẽ tính tiền lãi rồi chia theo cơ chế 70% - 30%. Nếu thống nhất thì Tùng và Quân ký vào giấy này và làm theo. Rất may mắn là hai anh em đã hợp tác suôn sẻ được một thời gian rồi.
Góp tiền làm thiện nguyện giúp con hoàn thiện hơn
Từ số tiền được cho hay do con kiếm được, tôi khuyên con nên dành một phần nhỏ để tham gia các hoạt động thiện nguyện ở trường, ở nhà thờ hoặc các hoạt động đoàn thể của địa phương. Vì tiền do con bỏ sức làm ra, nên việc yêu cầu con phải chia sẻ với người khác không dễ. Còn nhỏ nên con vẫn giữ làm của riêng.
Tôi đã nhiều lần phân tích cho con hiểu hoặc chỉ vào các hoàn cảnh cụ thể. Ví như lần đi lễ hội Lam Kinh (đây là lễ hội tưởng niệm Vua Lê Lợi vào tháng 8 hàng năm), tại đây có nhiều trường hợp người đến xin tiền. Mỗi lần đi ngang qua, Tùng hay nhìn những người ăn xin mặc đồ rách rưới, trông kham khổ hay có người thì bị mù, mất một chân... rất nhiều các hoàn cảnh đáng thương. Tôi đã nói con hãy cho họ một ít tiền nhé, vì họ rất đáng thương và không thể tự lao động kiếm tiền như con được.
Tùng đã cho mỗi người 10.000 đồng và kể từ đó, tôi thấy con biết trích ra một phần tiền để tham gia các hoạt động: "Mùa hè xanh" ở trường; quyên góp ở nhà thờ hay "Vui Trung thu" ở địa phương, để phụ mua quà cho các bạn hoàn cảnh khó khăn.
Tôi rất vui vì con đã làm vậy. Tùng cũng nói con thấy vui hơn mỗi khi được đóng góp. Tiền là công cụ để phục vụ cho cuộc sống của chúng ta, kiếm tiền và tiêu tiền là kỹ năng giúp con hoàn thiện về trí tuệ. Việc quyên góp và biết cho đi sẽ giúp con hoàn thiện cả về nhân cách.
Với cậu bé 10 tuổi, tôi không mong gì hơn. Vợ chồng tôi chọn đồng hành cùng con trong tất cả các hoạt động, để con luôn cảm thấy yên tâm và tự do phát triển. Mong muốn lớn nhất là các con sẽ trở thành người có ích cho xã hội sau này.
Lê Thị Thắm
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây