Deepfake thường được nhắc đến với những mặt trái, nhưng theo Wired, công nghệ này cũng có thể giúp làm việc từ xa trở nên bớt nhàm chán và khiến các cuộc họp qua Internet thú vị hơn.
Một số nhân viên của công ty kiểm toán EY đang thử nghiệm một công cụ giao tiếp mới. Họ minh họa cho bài thuyết trình của mình bằng các clip với sự tham gia của avatar y hệt bản thân. Hoặc khi trao đổi với khách hàng ở Nhật Bản, họ sử dụng "bản sao" AI của mình cùng chức năng dịch ngôn ngữ theo thời gian thực để tương tác với khách hàng bằng tiếng mẹ đẻ của họ.Việc này được thực hiện bằng công nghệ deepfake.
Công cụ áp dụng tại EY do startup Synthesia ở Anh cung cấp. Synthesia chứng tỏ được tiềm năng khi đại dịch làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách thức giao tiếp truyền thống. Ở nhiều nơi, chơi golf hay dùng bữa trưa tại nhà hàng đã trở thành điều gần như không thể. Thay vào đó, các cuộc gọi qua zoom và tài liệu PDF trở thành chuyện thường ngày.
Jared Reeder, một nhân viên tại EY, chia sẻ trên Wired: "Chúng tôi sử dụng công cụ này như một yếu tố tạo nên sự khác biệt và củng cố bản sắc của một người".
Quá trình tạo ra một bản sao bằng deepfake tương đối đơn giản. Người dùng ngồi trước máy quay khoảng 40 phút, đọc một kịch bản chuẩn bị sẵn. Cảnh quay và âm thanh sẽ dạy thuật toán của Synthesia về các chuyển động trên khuôn mặt và cách phát âm của người đó để bắt chước ngoại hình và giọng nói.
Sau đó, người dùng chỉ việc nhập những gì họ muốn nói và bản sao sẽ thực hiện bài thuyết trình thay họ.
Ranh giới giữa tiện ích và nguy cơ
Ngay khi deepfake lần đầu xuất hiện năm 2017, công nghệ này đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Deepfake về cơ bản là việc sử dụng công cụ AI để gán khuôn mặt hay giọng nói của người này sang người khác trong ảnh, video... với độ chân thực đến kinh ngạc.
Theo thống kê, deepfake được sử dụng nhiều nhất trong việc tạo ra video khiêu dâm với khuôn mặt của người nổi tiếng. Việc ghép và chỉnh sửa khuôn mặt như vậy có thể gây ra mối đe dọa tiềm tàng đối với danh tiếng của các cá nhân và tăng khả năng lan truyền thông tin sai lệch.
Bất chấp khả năng bị lạm dụng, nhiều lĩnh vực đang nắm bắt và ứng dụng deepfake, như trong trường hợp của EY, vào những mục đích tích cực hơn. Ngành công nghiệp quảng cáo cũng đang đi theo con đường này, như Spotify, Hulu và nhiều tổ chức chọn sử dụng deepfake cho các chiến dịch truyền thông của họ.
Đăng Thiên (theo The Star)