Từ ngày 1/8 nhiều địa phương chính thức áp dụng việc tăng giá viện phí. Tuy quyết định tăng giá đã có thông báo trước nhưng nhiều người vẫn “choáng”.
Giá viện phí tăng cùng lúc với giá điện, nước, ga …nhiều độc giả VnEpress.net không khỏi bàng hoàng khi mà quyết định tăng lương của nhà nước không được bao lâu thì các dịch vụ khác đồng loạt tăng theo. Độc giả Hoàng Anh than vãn: “lương tăng 1 mà vật giá tăng 10, cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.”
"Bạn đã bao giờ nhìn thấy cảnh người bố đưa con trai độc nhất đi chạy thận chưa? Cả buổi trưa hai cha con chỉ có một cái bánh mỳ xẻ đôi để ăn. Nhiều người nghèo đến mức không có tiền đóng 5% bảo hiểm người nghèo. Nhiều người khốn khổ đến nỗi không thể chữa bệnh dù chỉ phải đóng 5% tận thu đấy", bạn đọc Đỗ Anh lo lắng
Trước khi có quyết định tăng giá viện phí, tình trạng quá tải ở các bệnh viện diễn ra thường xuyên. Nhiều bệnh viện một giường có từ 2 đến 3 bệnh nhân nằm chung, nhiều bệnh nhân thậm chí phải ra hành lang để truyền dịch, nước biển vì bệnh viện không còn mộtchỗ trống.
Trước những tình trạng trên độc giả Bảo Ngọc thắc mắc: “Liệu khi chi phí khám chữa bệnh tăng có kéo theo chất lượng và dịch vụ y tế tăng theo hay tất cả vẫn giẫm chân tại chỗ?”
Thắc mắc của độc giả Bảo Ngọc cũng chính là vẫn đề nhiều bạn đọc quan tâm khi mà ngày ngày các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về chất lượng của các dịch vụ y tế cũng như y đức, tay nghề đi xuống của một số các y bác sĩ hiện nay.
Bên cạnh những ý kiến bất ngờ về việc tăng viện phí, nhiều độc giả cho rằng quyết định này là chính xác khi mà các trang thiết bị y tế của Việt Nam đang xuống cấp, lương của bác sĩ không cao khi mà họ phải đầu tư thời gian và tiền bạc nhiều hơn các ngành nghề khác.
Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống đi lên cũng là lúc những đòi hỏi về các dịch vụ phải cao. Với mức giá khám bệnh 3.000 đồng không bằng một buổi ăn sáng thì lấy đâu những đòi hỏi về chất lượng…
Tất cả do mức sống của dân mình còn thấp nên người dân chưa chú ý tới sức khỏe thôi. Người dân có thể bỏ tiền hàng tháng dùng truyền hình cable, tiền điện, tiền gas...nhưng với sức khỏe, một vấn đề quan trọng thì họ chưa để ý lắm. Nâng giá thành dịch vụ đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng phục vụ...nhưng người dân mình vẫn chỉ muốn phục vụ tốt với chi phí thấp.
“Muốn biết đắt hay rẻ, hãy so sánh với các bệnh viện tư nhân. Ai cũng muốn mình được phục vụ với giá thật rẻ và chất lượng thật tốt thì làm sao có thể - độc giả tên Nam khẳng định.
Minh bạch hơn trong dịch vụ y tế
Câu chuyện của bạn đọc Lê Hồng Hải gợi nhiều suy nghĩ :Việc tăng giá cho dịch vụ y tế, nếu xét theo góc độ thị trường thì là điều tất yếu. Dịch vụ y tế mà người dân ta được hưởng hiện nay thể hiện sự ưu việt của đất nước, người dân sẽ có quyền lựa chọn dịch vụ y tế tùy theo khả năng và ý muốn.
Nhiều năm qua chúng ta đã xây dựng được nhiều hơn, mở rộng được rất nhiều qui mô của các thành phố, đô thị lớn, dân số thì tăng gần 90 triệu người. Nhưng số gường bệnh, số bệnh viện mới thì có thể là con số mà tôi tin rằng không đời Bộ trưởng Y tế nào có thể tự hào cả. Chi phí y tế có thể tăng nhưng hãy dành ưu tiên cho số đông dân cư được hưởng hỗ trợ một phần bảo hiểm y tế, vì số đông dân ta còn quá nghèo.
Độc giả Hồng Hải kể lại câu chuyện của mình: "Tôi nhiều lần đưa cha mẹ và bản thân đi khám ở bệnh viện B. và nhiều bệnh viện khác, rất nhiều khoản thu (ví dụ rất nhỏ: phòng điều hòa tự nguyện, dụng cụ khám chữa...) thu vào khoa, không có hóa đơn đỏ. Có ai kiểm tra, thanh tra cho việc này không?"
"Những khoản thu như vậy, không nhỏ dùng vào việc gì? Bộ Tài chính và Bộ Y tế hãy kiểm soát thu chi bằng hóa đơn đỏ cho tất cả các loại dịch vụ, quản lý, minh bạch trong tài chính của dịch vụ y tế sẽ nâng cao chất lượng và điều quan trọng là sẽ được sự đồng thuận cao trong xã hội. Không ai phản đối nếu trong xã hội hiện đại ngày nay, giá cả dịch vụ y tế tương xứng với giá trị của chính dịch vụ mang lại và nó cần minh bạch, quản lý bằng luật pháp và qui định".
Trâm Lê