"Việc tăng viện phí cần có lộ trình, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, mức sống của người dân ở một tỉnh nghèo", bà Trương Thị Xuân Hồng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.
HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành nghị quyết thông qua giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của nhà nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, viện phí ở Quảng Ngãi được áp dụng vào đầu năm 2013 với mức 66,28% so với khung giá trần của liên bộ Y tế - Tài chính.
Các bác sĩ khám, chữa bệnh cho người dân ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín. |
Cụ thể, có 604 dịch vụ sẽ điều chỉnh phí theo ba nhóm: Dịch vụ phổ biến, thường xuyên áp dụng; Dịch vụ phổ biến, thường xuyên áp dụng được thực hiện bằng phương pháp thủ công hoặc thiết bị lạc hậu; Dịch vụ áp dụng kỹ thuật mới, trang thiết bị mới, hiện đại. So với phí hiện nay, từ ngày 1/1/2013 giá các dịch vụ khám chữa bệnh ở Quảng Ngãi sẽ tăng thấp nhất 0,73 lần, cao nhất 7 lần.
Các dịch vụ y tế tăng 3-5 lần sẽ được điều chỉnh theo lộ trình. Theo đó, từ đầu năm 2013 đến cuối năm này tăng 50% mức giá đề xuất. Từ đầu 2014 đến cuối năm tăng 70%. Đầu năm 2015 trở đi sẽ tăng 100%. Đối với các dịch vụ y tế tăng từ 5 lần trở lên sẽ điều chỉnh từng thời điểm: Từ đầu tháng 1/2013 đến cuối năm tăng 40%; đầu năm 2014 đến cuối năm tăng 50%; từ đầu năm 2015 trở đi tăng 100% theo mức giá đề xuất.
Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ngãi cho rằng hàng chục năm trôi qua bệnh viện áp dụng mức giá viện phí cũ nên nguồn thu thấp, thu không đủ chi, khó có kinh phí lớn đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ, thu nhập cho đội ngũ y, bác sĩ khó cải thiện.
Một bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi nêu ví dụ điển hình là càng mổ đẻ thì bệnh viện càng lỗ nặng. Bởi lẽ, Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ chi trả cho bệnh viện mỗi ca mổ đẻ khoảng 400.000 đồng, trong khi hai sợi chỉ khâu cho sản phụ sau ca phẫu thuật đã lên đến 300.000 đồng. Đó là chưa kể chi phí cho thuốc gây mê, bông, băng, gạc..., tiền công chi trả cho kíp mổ khoảng 6 người gồm hai bác sĩ, hai phụ mổ và hai bác sĩ gây mê.
Bác sĩ này cũng cho rằng bệnh nhân vào bệnh viện mua phiếu khám phụ khoa chỉ với giá 10.000 đồng. Như vậy thì chi phí nhân công cho bác sĩ là quá "rẻ".
Theo các bác sĩ khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, nghịch lý hiện nay là càng mổ đẻ bệnh viện càng lỗ, bởi Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ chi bảo hiểm cho mỗi ca mổ đẻ 400.000 đồng trong khi thực tế chi phí cao hơn nhiều. Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, bà Trương thị Xuân Hồng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết việc tăng giá viện phí là cần thiết trong tình hình trượt giá như hiện nay. Tuy nhiên Quảng Ngãi là một trong 20 tỉnh nghèo nên trước khi áp dụng tăng giá viện phí, các cơ quan chuyên môn của tỉnh phải tính toán kỹ mức độ tăng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, mức sống của người dân địa phương và có điều kiện ràng buộc chất lượng y tế phát triển. Từ đầu năm 2013, mức viện phí mới bắt đầu áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Hồng, suốt nhiều năm qua, nhiều lần tiếp xúc cử tri ở các địa phương, người dân thường "kêu ca" chất lượng khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Quảng Ngãi quá kém. Năm 2010-2011, quỹ Bảo hiểm xã hội tỉnh "thừa" khoảng 100 tỷ đồng.
"Khoản thừa quỹ bảo hiểm này không phải người dân Quảng Ngãi khỏe quá không có bệnh mà có thực tế mỗi lần đau ốm người dân ra tỉnh khác khám, chữa bệnh chấp nhận tốn kém chi phí lớn. Do vậy, việc tăng giá viện phí cần phải kèm theo phương án chi, đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế", bà Hồng nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, mức giá viện phí khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế đã được cơ quan chức năng đề xuất với HĐND tỉnh bằng 75% khung giá tối đa của liên bộ Y tế - Tài chính, trong đó có nhiều dịch vụ tăng hai lần... Tại kỳ họp thứ 4, khóa VIII, HĐND tỉnh Quảng Nam vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng mức giá chưa đúng, chưa được cơ quan chuyên môn là Sở Tài chính rà soát, thẩm định chi tiết, mang tính áp đặt và chưa có cơ sở thực tế. Đề án tăng viện phí do đó được gác lại để tiếp tục thảo luận trong kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam vào dịp cuối năm.
Tại Đà Nẵng, hiện vẫn chưa thông qua mức viện phí mới. Ngành y tế Đà Nẵng đang phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội TP, Sở Tài chính để cùng xây dựng đề án viện phí mới. Sau đó Sở Y tế có báo cáo tham mưu UBND TP trước khi trình HĐND TP thống nhất thông qua Nghị quyết vào kỳ họp vào tháng 12 tới.
Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng tính toán kỹ việc tăng viện phí để phù hợp với mức thu nhập trung bình chung của người dân. Sớm nhất thì đến năm 2013 mới triển khai việc áp dụng viện phí mới".
Ông Chiến cũng nói rằng, phấn đấu đến cuối năm nay, 100% người dân trên địa bàn có thẻ bảo hiểm y tế. Lúc đó việc tăng viện phí được áp dụng rộng rãi thì đỡ "gánh lo" cho người dân hơn.
Các bệnh viện tại TP HCM hiện cũng chưa áp dụng viện phí mới vì chưa được cơ quan chức năng phê duyệt.
Trí Tín