"Sự kết hợp giữa công và tư góp phần giảm tải hệ thống y tế công, mở ra những lựa chọn chăm sóc sức khỏe đa dạng và chất lượng cao cho người dân", Thứ trưởng Thuấn nói tại Lễ khai trương Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Smart City, ngày 21/10 ở Hà Nội. Đây là bệnh viện thứ 8 trong hệ thống này, diện tích gần 60.000 m2, phục vụ khoảng 70.000 lượt khám/năm, gồm 14 chuyên khoa.
Hiện nay, bên cạnh hệ thống cơ sở khám chữa bệnh công lập, cả nước có 384 bệnh viện tư nhân chiếm 24% tổng số bệnh viện song số lượng giường bệnh chỉ chiếm 5,8%. Đa số bệnh viện tư nhân hoạt động chuyên khoa như mắt, răng hàm mặt, da liễu, tim mạch, ung bướu... quy mô dưới 50 giường. Có rất ít số bệnh viện tư nhân đa khoa trên 100 giường.
Hà Nội có 44 bệnh viện tư nhân (chiếm 29%) với gần 3.000 giường chiếm 6,5% tổng số giường bệnh - tỷ lệ giường y tế tư cao nhất trong các địa phương.
Định hướng phát triển ngành y tế Việt Nam là không phân biệt công và tư. Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt, tỷ lệ giường bệnh y tế tư nhân ít nhất 10% vào năm 2025, 15% năm 2030 và 25% năm 2050.
"Dư địa để y tế tư nhân phát triển là rất rộng lớn", Thứ trưởng Thuấn nói. Việc phát triển các bệnh viện tư nhân chuyên sâu và kỹ thuật cao được kỳ vọng góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, khuyến khích người bệnh sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam mà không phải ra nước ngoài.
Lê Nga