Hàng tồn kho tiếp tục tăng làm nghẽn chuỗi cung ứng, không gian kho bãi chật hẹp và các chỉ số vận chuyển tiếp tục giảm là lực cản đối với thị trường logistics. Chỉ số LMI giảm từ 61,4 điểm vào tháng 9 xuống 57,5 điểm tháng 10. Đây là mức điểm thấp nhất của chỉ số LMI kể từ tháng 5/2020.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ số LMI trên 50 vẫn cho thấy khả năng tăng trưởng của ngành logistics. Ngược lại, khi chỉ số này dưới 50 cảnh báo sự thu hẹp của thị trường hậu cần.
Chỉ số LMI đã duy trì trong phạm vi 60-70 điểm trong suốt thời điểm diễn ra đại dịch. Tuy nhiên, điểm LMI mất mốc 60 vào tháng 8, tăng nhẹ vào tháng 9 trước ghi nhận mức thấp kỷ lục vào tháng 10/2022.
Sự thay đổi này được lý giải do sự chậm lại của thị trường vận tải và tình trạng dư thừa hàng tồn kho làm tăng chi phí. Theo các báo cáo, giá vận tải đã giảm trong 7 tháng liên tiếp. Giá trong tháng 10 giảm hơn 2 điểm so với tháng 9 xuống mức 42.2. Đây là kết quả thấp nhất được ghi nhận từ 4/2020.
Hàng tồn kho tiếp tục tăng trong tháng 10 nhưng tốc độ chậm hơn so với các tháng trước. "Điều này cho thấy các công ty đang làm tốt việc vượt qua bong bóng hàng tồn kho đã tồn tại trong hầu hết năm 2022. Tuy nhiên, cần phải xem xét điều này trong thời gian dài, ít nhất đến đầu năm 2023", chuyên gia Zac Rogers của LMI, Đại học bang Colorado nhận định.
Ngoài ra, theo chỉ số LMI, công suất kho tiếp tục giảm, nhưng vẫn ngang bằng với mức của tháng 9, đạt 44,7. Chi phí hàng tồn kho và giá kho bãi đều tăng trong tháng 10 lần lượt ở mức 80,9 và 75,5 - phản ánh sự mở rộng của hai lĩnh vực.
Chỉ số LMI được đánh giá dựa trên nghiên cứu thu thập câu trả lời của hơn 100 chuyên gia về các chuyển động và xu hướng của ngành logistics thông qua 8 chỉ số chính gồm: mức hàng hóa tồn kho, chi phí tồn kho, khả năng lưu kho, hiệu năng sử dụng kho bãi, năng lực vận chuyển, hiệu suất vận chuyển và chi phí vận chuyển. Các chỉ số này được tổng hợp và thể hiện thông qua chỉ số chung LMI.