Các bộ phận của nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng mạnh trong những tháng tới, dần bắt kịp với Mỹ và Trung Quốc, theo các cuộc khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI).
Số liệu do IHS Markit công bố ngày 23/7 cho biết, Mỹ - nước chứng kiến tăng trưởng nóng trong quý II, sẽ giảm tốc phần nào trong quý III bởi nguồn cung tiếp tục hạn chế, thiếu hụt lao động và sự lan rộng của biến thể Delta mới.
PMI tổng hợp của Mỹ đã suy giảm xuống mức 59,7 điểm trong tháng 7, từ mức 63,7 trong tháng 6. Mức trên 50 chứng tỏ hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục mở rộng.
Ngược lại, PMI của khu vực đồng euro đã tăng lên 60,6 trong tháng này, từ mức 59,5 trong tháng 6, đạt mức cao nhất trong 21 năm. Dấu hiệu đó cho thấy nền kinh tế châu Âu đang phục hồi mạnh mẽ.
Trong khi các nhà kinh tế ước tính tăng trưởng của Mỹ đã đạt đỉnh trong quý vừa qua thì tăng trưởng của thế giới dự kiến sẽ đạt đỉnh vào quý hiện tại. JPMorgan dự báo GDP Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm tốc trong quý III, nhưng bù lại, tăng trưởng của châu Âu có thể sẽ đạt tốc độ nhanh hơn cả Mỹ hồi quý II. Cộng với việc Ấn Độ cũng phục hồi mạnh quý này nên tăng trưởng toàn cầu có thể đạt phong độ mạnh nhất năm 2021 vào quý III.
Mặc dù vậy, biến chủng Delta của Covid-19 vẫn là một thách thức tiềm năng. "Việc mở cửa trở lại phần lớn nền kinh tế đang hỗ trợ cho sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ. Nhưng biến thể Delta có thể cản trở sự phục hồi trong các ngành đặc biệt là du lịch và khách sạn", Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đánh giá.
Chris Williamson, Nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit cũng thừa nhận biến chủng Delta gây ra rủi ro lớn cho triển vọng phục hồi của Mỹ. "Số ca nhiễm tăng không chỉ khiến niềm tin kinh doanh giảm xuống thấp nhất kể từ tháng Hai mà làn sóng Covid-19 dâng cao có thể dẫn đến sự chậm trễ hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu", vị này nói.
Tốc độ nhiễm bệnh và chương trình tiêm chủng khác nhau giữa các quốc gia, đi kèm với sự suy giảm của dòng chảy thương mại khi các chính phủ đề cao cảnh giác đang đồng nghĩa với việc đà phục hồi đang có tốc độ không đồng đều giữa các khu vực và từng nền kinh tế.
Ví dụ tại Australia, các doanh nghiệp đang chịu áp lực không nhỏ vì tổn thất tài chính trong làn sóng lây lan của chủng Delta khi mà chỉ mới 12% dân số được tiêm chủng. Sự gia tăng của các ca nhiễm đang khiến chính phủ nước này thúc đẩy áp dụng các hạn chế mới với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Phiên An (theo WSJ)