Theo Bộ Thống kê Ấn Độ, tăng trưởng mạnh nhờ gia tăng trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và tiêu dùng. Mức tăng trưởng này tương đương với dự báo trước đó theo kết quả thăm dò của Reuters là 20%, nhưng thấp hơn kỳ vọng 21,4% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI). Cùng kỳ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái, tức quý đầu tiên trong năm tài chính 2020-2021, GDP giảm kỷ lục 24,4%.
Chi tiêu tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế, đã tăng 19,34% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Đầu tư tăng 55,3% so với mức tăng 10,9% trong quý trước. Trong khi, chi tiêu nhà nước giảm 5% sau khi tăng 28,3% trong 3 tháng đầu năm 2021.
Ấn Độ chứng kiến làn sóng bùng dịch lần hai vào tháng 4 và 5 nhưng hoạt động ít bị ảnh hưởng hơn so với năm ngoái vì các biện pháp ngăn chặn ít nghiêm ngặt hơn. Nhìn chung lĩnh vực bán lẻ, kinh doanh ôtô, sản lượng nông nghiệp, xây dựng và xuất khẩu đều tăng kể từ tháng 6, nhưng các lĩnh vực như giao thông vận tải và chi tiêu du lịch vẫn còn yếu.
Trong năm tài chính vừa qua, GDP nền kinh tế Ấn Độ giảm 7,3% do bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Cố vấn kinh tế chính của chính phủ K.V. Subramanian cho biết các khoản đầu tư tư nhân và chi tiêu tiêu dùng đang thúc đẩy sự phục hồi hình chữ V trong quý rồi.
Ông khẳng định nền kinh tế này có thể đối phó với các ảnh hưởng của bất kỳ động thái nào từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm thắt chặt thanh khoản. "Ấn Độ đang sẵn sàng cho sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn", ông nói và cho biết chính phủ đang tiến hành các cải cách, kiềm chế lạm phát nhưng cảnh báo một số dịch vụ vẫn chưa có tín hiệu tích cực.
Trong khi các nền kinh tế tiên tiến tung ra những gói kích thích lớn để hỗ trợ tiêu dùng, Thủ tướng Narendra Modi đã chọn tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, theo đuổi quá trình tư nhân hóa các công ty nhà nước và cải cách thuế. Cùng với đó, ông cung cấp ngũ cốc lương thực miễn phí cho người nghèo.
RBI, vốn giữ chính sách nới lỏng tiền tệ, đã dự báo tăng trưởng 9,5% trong năm tài chính hiện tại của Ấn Độ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho biết nguy cơ gia tăng các ca nhiễm từ biến thể Delta và tốc độ tiêm chủng chậm chạp ở một số bang có thể làm chậm đà tăng trưởng. Điều này có thể khiến nền kinh tế nền kinh tế lớn thứ ba châu Á khó lấy lại quy mô trước đại dịch, là khoảng 2.900 tỷ USD trước giữa năm tài chính 2022- 2023.
"Tiến độ tiêm chủng sẽ rất quan trọng, với khả năng xảy ra một làn sóng lây nhiễm thứ ba và kinh nghiệm từng trải qua ở các nước khác", Sreejith Balasubramanian, Nhà kinh tế quản lý quỹ tại IDFC AMC ở Mumbai, đánh giá.
Shashank Mendiratta, Nhà kinh tế học tại IBM ở New Delhi, lưu ý rằng nhiều chỉ báo tương lai vẫn ở dưới mức trước đại dịch. "Với sự trì trệ đáng kể của nền kinh tế, cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ để hoạt động trở lại bình thường", ông nói.
Phiên An (theo CNBC)