"Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội vươn lên khi là cường quốc Internet, tỷ lệ người sử dụng smartphone cao, các doanh nghiệp Việt Nam được nhấn sự quan tâm và hỗ trợ từ phía chính phủ", ông Lim Choon Teck, Tổng giám đốc HP Việt Nam nhận định. Ước tính đến 2030, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đóng góp hơn 60 tỷ USD vào GDP Việt Nam, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 16%.
Các chuyên gia công nghệ cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ tới hàng loạt lĩnh vực như sản xuất, tự động hóa, giao thông, tài chính, ngân hàng, giáo dục, y tế... trong nước. Làn sóng đổi mới này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh, đổi mới sáng tạo.
"Hạ tầng công nghệ tại Việt Nam đã sẵn sàng, độ phủ Internet hiện đạt trên 70% và điện thoại di động trên 90%, dân số trẻ, nguồn nhân lực công nghệ tài năng" ông Ng Tian Chong, Chủ tịch HP Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, nhấn mạnh. "Việt Nam cần tận dụng đổi mới sáng tạo để phát triển mạnh mẽ hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"
Tuy nhiên, sự phát triển cũng sẽ mang đến nhiều thách thức cho các tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt về vấn đề hạ tầng công nghệ, an toàn và an ninh thông tin. Việt Nam cũng phải thích ứng và tận dụng cơ hội mà làn sóng công nghệ 4.0 mang lại. Để làm được điều này, các doanh nghiệp trong nước cần tới những giải pháp công nghệ bảo mật, tin cậy, những thiết bị công nghiệp đem lại hiệu suất cao.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa thành quả của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó (máy hơi nước - luyện kim, máy tính - máy tự đông, số hóa - Internet) với thế giới kỹ thuật số. Động lực của cuộc cách mạng lần thứ tư bao gồm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.