Theo các văn bản của Bộ GD&ĐT về chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm, việc tổ chức tăng tiết chỉ cho phép thực hiện ở các lớp cuối cấp (9, 12) dành cho học sinh yếu. Đồng thời, hoạt động này phải đảm bảo tính tự nguyện và có sự thỏa thuận của phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, từ đầu năm học đến nay, các trường tăng tiết, trò bất kể học lực loại nào cũng được "tổng động viên" đến lớp trái buổi. Các em vừa kết thúc giờ học buổi sáng lúc 11h15' đã phải quay trở lại trường lúc 13h30', và chỉ rời lớp học lúc 17h30' như một công chức mẫn cán. Khối 12, trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3) vào lớp buổi chiều lúc 12h45' để chuẩn bị học tiếp 4 tiết nữa, khiến một số em phản ứng vì không có thời gian đến các trung tâm luyện thi đại học. Nếu cấp THCS, THPT chỉ làm khổ học sinh, thì trường tiểu học tăng tiết còn làm khổ cả phụ huynh. 11h30' đón con về, 15h lại đưa con đến trường và đến 17h chờ đón con...
Phải thẳng thắn nhìn nhận giải pháp tăng tiết cũng có cái ưu. Bắt học sinh phải học, có thời gian cho bài giảng, bảo đảm được tỷ lệ tốt nghiệp và qua đó cải thiện nguồn thu nhập chính đáng cho đội ngũ giáo viên... Tuy nhiên, từ cách làm của các trường, nơi quá mức, nơi tổ chức tăng tiết bắt buộc, nơi thu tiền quá cao... thì dù có biện bạch thế nào chăng nữa vẫn là chuyện dạy thêm, học thêm.
Thực trạng này vẫn tồn tại khi quy định chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm có những điều khoản chưa được lượng hóa. Chẳng hạn như quy định "không dạy quá cường độ", vậy tăng 4 tiết đã là quá chưa cũng không thấy nói rõ.
(Theo Thanh Niên)