ThS. BS. Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 22/11, cho biết hai điểm yếu của hệ thống thuế thuốc lá Việt Nam là thuế và giá thuốc lá rất thấp. Việt Nam nằm trong số ba quốc gia ASEAN cùng với Lào và Campuchia có tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá thấp nhất (dưới 35%) trong khu vực. Trong khi Thái Lan có tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá cao nhất (81,3%), tiếp theo là Singapore (70,7%) và Brunei (62%).
"Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá thường xuyên để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và mức tăng thu nhập", ông Lâm nói, thêm rằng việc tăng thuế qua nhiều năm, còn giúp giảm tiêu dùng, tăng thu ngân sách.
Như tại Philippines đã giảm được 30% tỷ lệ hút thuốc và tăng thu thuế hơn 400% sau cải cách thuế thuốc lá. Năm 2012, nước này bắt đầu tiến trình cải cách thuế thuốc lá bằng cách hợp nhất 4 bậc thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thành một mức duy nhất vào năm 2017, sau đó tiếp tục tăng thuế thêm 5 peso mỗi bao thuốc lá mỗi năm, đạt mức 60 peso (tương đương 1 USD) mỗi bao thuốc lá vào năm 2023.
Cải cách này đã nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá ở phân khúc cao cấp lên 110% và ở phân khúc trung bình lên hơn 700% so với năm 2012. Nhờ đó, tỷ lệ hút thuốc tại Philippines đã giảm mạnh từ 27% năm 2009 xuống còn 19,5% năm 2021, tương đương mức giảm 30%. Đồng thời, doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ khoảng 680 triệu USD năm 2012 lên 2,9 tỷ USD năm 2022.
Còn tại Thái Lan, từ 1993-2017, chính phủ nước này đã tăng thuế TTĐB với thuốc lá 11 lần, trung bình khoảng 2 năm tăng một lần. Năm 2017, Thái Lan tiếp tục cải cách thuế thuốc lá, chuyển đổi từ hệ thống thuế tỷ lệ sang hệ thống thuế hỗn hợp. Kết quả, thu ngân sách tăng hơn gấp 4 lần còn tỷ lệ hút thuốc trên toàn quốc giảm từ 32% (năm 1991) xuống còn 19,91% (năm 2017).
"Kinh nghiệm cải cách thuế thuốc lá ở Thái Lan và Phillippnes đã cho thấy, áp thuế ở mức cao và tăng thuế thuốc lá đều đặn đã giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng, và giúp tăng doanh số thu thuế từ thuốc lá", ông Lâm nói.
Đồng quan điểm, bà Bungon Ritthiphakdee, Cố vấn cấp cao Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA), đánh giá việc áp dụng thuế thuốc lá giúp các quốc gia đạt được ba lợi ích lớn: giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá; tạo ra nguồn thu thuế cao hơn để phân bổ cho các mục tiêu ưu tiên phát triển khác của chính phủ, và tạo nguồn thu bổ sung để tài trợ cho các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và nâng cao sức khỏe.
Còn ThS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho hay tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam tuy có giảm vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, các tổ chức y tế, chuyên gia khuyến nghị bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Tại Khu vực Đông Nam Á, có 6 quốc gia hiện đang áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối (Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Myanmar), 2 nước áp dụng thuế hỗn hợp (Lào, Thái Lan) và chỉ có duy nhất 2 quốc gia còn đang áp dụng thuế theo tỷ lệ bao gồm Việt Nam và Campuchia.
Về mức thuế, để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá tới năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế và WHO khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại.
Phương án khuyến nghị này của Bộ Y tế và WHO sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam và nữ xuống dưới 36% và 1% vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam. Với phương án này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.
Lê Nga