Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bắc Giang tối 19/5, ông Bùi Thế Bừng, Phó giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, cho biết cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 120 giường, Bệnh viện Phổi 213 giường, Bệnh viện Dã chiến ở Bệnh viện Nội Tiết 230 giường, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang 170 giường, Bệnh viện Dã chiến ở Trung tâm Y tế Yên Dũng 150 giường, Bệnh viện Dã chiến ở Trung tâm Y tế Lạng Giang 140 giường.
Sắp tới, tỉnh hoạt động thêm cơ sở mới ở Bệnh viện Y học cổ truyền 200 giường, Bệnh viện Tâm Thần 400 giường, Bệnh viện Dã chiến Quân đội dự kiến 300-500 giường, Bệnh viện Dã chiến ở Nhà thi đấu tỉnh 620 giường.
Đoàn cán bộ Bệnh viện Bạch Mai khảo sát lập Trung tâm ICU (khu chăm sóc bệnh nhân nặng) đặt ở cả 2 tầng của Bệnh viện Phổi, với 58 giường điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nghiêm trọng.
Như vậy, tổng dự kiến số giường điều trị Covid-19 của tỉnh khoảng từ 2.500 đến 3.000 giường.
Bắc Giang đang điều trị khoảng 400 bệnh nhân Covid-19, phân chia vào các khu vực khác nhau. Người bệnh không có triệu chứng điều trị tại bệnh viện dã chiến và tại khu cách ly phong tỏa nghiêm ngặt có nhân viên y tế theo dõi. Nếu xuất hiện diễn biến bất thường, bệnh nhân được chuyển sang khu điều trị cao hơn.
Tất cả các cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 đều thông báo "hiện tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát". Tuy nhiên theo ông Bừng, nhân lực điều trị của tỉnh rất khan hiếm, lực lượng nhân viên y tế tại các Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm Thần... đều cần bồi dưỡng thêm. Tại Bệnh viện Dã chiến đặt ở Nhà thi đấu, dự kiến cần 620 cán bộ y tế, nhưng hiện tại nhân lực của tỉnh đã cạn, huy động hết trong ngành hiện chỉ được hơn 100 người. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có thể hỗ trợ 300, tạm thời có thể đáp ứng.
Sức khỏe của hầu hết bệnh nhân ổn định, nhiều trường hợp ho, sốt nhưng chưa diễn tiến nặng. Nếu số bệnh nhân diễn biến nặng tăng cao thì sẽ gặp khó khăn, nhất là về trang thiết bị. Các cơ sở đều thiếu thốn về các thiết bị để theo dõi bệnh nhân ho, sốt, theo dõi các chỉ số, máy móc xét nghiệm, chiếu chụp... Ngoài ra, nhân lực chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm.
Theo báo cáo của Bắc Giang, tỉnh hiện có 116 máy thở. Trong đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh 40 máy, Bệnh viện Sản Nhi 28 máy, còn lại là các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập khác.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban thường trực Bộ Y tế, cho rằng dù còn nhiều bỡ ngỡ nhưng hệ thống y tế tỉnh đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết trước mắt, trong bối cảnh số lượng bệnh nhân tăng rất nhanh. Về vấn đề xử lý chống nhiễm khuẩn, Bộ Y tế đã cử cán bộ đi rà soát hết các cơ sở và đưa ra hướng dẫn cụ thể để triển khai ngay.
Về nhân lực cho Bệnh viện Dã chiến tại khu Nhà thi đấu, theo ông Khoa, cần ít nhất cần 400 nhân viên y tế cho 600 ca bệnh. Có thể phải huy động lực lượng ngoài tỉnh như Phú Thọ, Hải Phòng hỗ trợ Đà Nẵng trước đây. Ông Khoa cho biết tỉnh nên tìm các khu cách ly làm cơ sở dã chiến tiếp theo, nâng tổng số giường điều trị lên khoảng 3.000 giường.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, nói Sở Y tế có thể khảo sát một nhà xưởng 15.000 m2 do một doanh nghiệp tình nguyện cho mượn, đồng thời tính đến việc mượn thêm Bệnh viện Dã chiến Chí Linh Hải Dương, 200 giường.
Bắc Giang đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh, ngành Y tế yêu cầu tập trung dốc toàn lực đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, xét nghiệm; truy vết và rà soát các trường hợp liên quan đưa đi cách ly tập trung; bảo đảm hoạt động và công tác hậu cần cho các khu điều trị, khu cách ly, động viên kịp thời về vật chất và tinh thần cho các lực lượng tham gia chống dịch.
Tỉnh đã tạm dừng hoạt động của 4 khu công nghiệp: Vân Trung, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng, Quang Châu; tiếp tục quyết định thiết lập cách ly y tế 78 thôn, tổ dân phố; giãn cách xã hội 28 xã, phường, thị trấn, 11 thôn, tổ dân phố; cách ly xã hội 4 huyện. Tỉnh lập các tiểu ban phối hợp với Tổ thường trực của Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch, đồng thời dốc toàn lực đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, xét nghiệm.