Ngày 6/12, VKSND Tối cao đã tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 và các luật, pháp lệnh về tổ chức của ngành kiểm sát.
Hội nghị được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, với thành phần từ viện trưởng VKSND cấp huyện trở lên... Trình bày dự thảo tổng kết, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Hoàng Nghĩa Mai đã chỉ ra không ít vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Cụ thể, các chức năng cơ bản của tố tụng gồm buộc tội, bào chữa, xét xử chưa được xử lý đúng đắn. Vì vậy, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các chủ thể cũng như trình tự tiến hành các thủ tục tố tụng chưa được quy định hợp lý, rành mạch. Cơ quan điều tra chủ yếu trực thuộc hành pháp nên chưa đảm bảo tính độc lập trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm.
Bên cạnh đó, VKS được giao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp nhưng lại thiếu cơ chế thực thi. Tòa án là cơ quan xét xử nhưng lại được giao thêm những thẩm quyền nằm ngoài chức năng chính như quyền khởi tố vụ án, quyền xét xử vượt quá giới hạn truy tố của VKS.
Ngoài ra, quy định về căn cứ tạm giam chủ yếu dựa vào phân loại tội phạm trong BLHS dẫn tới tình trạng lạm dụng tạm giam. Các quy định về thời hạn tố tụng chưa phù hợp, vừa dẫn tới tùy tiện, vừa gây áp lực, khó khăn cho cơ quan tố tụng. Luật mới chỉ quy định về thủ tục tố tụng với người chưa thành niên phạm tội mà chưa có thủ tục với những người tham gia tố tụng khác cũng là người chưa thành niên...
Các hướng sửa đổi
Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, báo cáo của VKSND Tối cao kiến nghị việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự tới đây, một mặt tiếp tục duy trì mô hình tố tụng thẩm vấn hiện hành, đồng thời tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng.
Chẳng hạn cơ quan điều tra, VKS có nhiệm vụ tìm kiếm cả chứng cứ buộc tội, gỡ tội một cách khách quan nhưng khẳng định chứng minh tội phạm là trách nhiệm của bên buộc tội (VKS, kiểm sát viên), còn chứng minh không phạm tội hoặc giảm tội, giảm hình phạt là quyền của bên bào chữa. Tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử, chủ yếu thông qua việc nghe các bên hỏi, tranh luận, đối đáp.
Để tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với hoạt động điều tra như yêu cầu của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, VKSND Tối cao cho rằng cần sửa đổi các quy định để VKS nắm bắt kịp thời, đầy đủ tố giác, tin báo tội phạm; trao cho VKS quyền trực tiếp xác minh tin báo khi xét thấy cần thiết như khi có khiếu nại về hoạt động của cơ quan điều tra, việc xác minh của cơ quan điều tra có vi phạm nghiêm trọng...
Trong mối quan hệ giữa VKS và cơ quan điều tra, hai phương án sửa đổi được đưa ra: Thứ nhất, VKS trực tiếp ra quyết định khởi tố, quyết định đình chỉ điều tra bị can, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn thay vì chỉ phê chuẩn lệnh, quyết định của cơ quan điều tra như hiện hành. Thứ hai, cứ giữ như quy định hiện hành nhưng bổ sung cơ chế để VKS thực hiện tốt trách nhiệm phê chuẩn: Tăng thời hạn xem xét phê chuẩn, được quyền yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung tài liệu hoặc giải trình, được tham gia hội đồng tuyển chọn điều tra viên các cấp...
Ngoài ra, VKSND Tối cao còn đề xuất mở rộng thẩm quyền điều tra của VKS như trong trường hợp phát hiện cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc khi thấy cần thiết, thay vì chỉ điều tra tội phạm trong lĩnh vực tư pháp như hiện hành.
Tăng quyền chủ động của kiểm sát viên
Để nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, dự thảo báo cáo của VKSND Tối cao cho rằng cần có cơ chế đảm bảo thực thi nguyên tắc có buộc tội mới có xét xử.
Chẳng hạn, tăng tính chủ động cho kiểm sát viên thực hành quyền công tố. Nếu tại phiên tòa, kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố thì tòa chỉ xét xử phần quyết định truy tố còn lại; còn rút toàn bộ quyết định truy tố thì vụ án phải được đình chỉ. Về trình tự xét hỏi, cần sửa đổi theo hướng việc xét hỏi chủ yếu do bên buộc tội và bên bào chữa thực hiện. Kiểm sát viên hỏi trước, sau đó đến người bào chữa và người tham gia tố tụng khác. Hội đồng xét xử chỉ hỏi sau khi các bên đã hỏi xong mà thấy còn những vấn đề chưa rõ hoặc mâu thuẫn.
Để phân định rõ hơn thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan tố tụng và người trực tiếp tiến hành tố tụng, Bộ luật Tố tụng hình sự cần sửa đổi theo hướng thủ trưởng cơ quan điều tra, viện trưởng VKS chủ yếu thực hiện thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp. Đây là các quyền tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra hoạt động tố tụng; phân công cán bộ tiến hành tố tụng; thay đổi, hủy bỏ các quyết định không có căn cứ hoặc trái luật của điều tra viên, kiểm sát viên.
Về thẩm quyền tố tụng tư pháp, cấp thủ trưởng chỉ ban hành các quyết định quan trọng như khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm đình chỉ, đình chỉ... hoặc quyết định hạn chế quyền tự do cơ bản của công dân như bắt, tạm giữ, tạm giam. Còn các quyết định tố tụng có tính chất phát hiện, làm sáng tỏ sự thật vụ án thì giao cho điều tra viên, kiểm sát viên thực hiện. Tương tự, với tòa án, chánh án chỉ thực hiện thẩm quyền quản lý hành chính tư pháp. Còn lại các thẩm quyền tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, hiện đang thuộc chánh án hoặc phó chánh án thì chuyển cho thẩm phán được giao giải quyết án.
Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh thẩm quyền của viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKS cấp tỉnh, chánh án TAND cấp tỉnh theo hướng chỉ tiến hành tố tụng trong những trường hợp đặc biệt nhằm giải quyết hợp lý mối quan hệ đồng cấp của lãnh đạo cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Như thế, các vụ ở VKSND Tối cao sẽ được chuyển thành các viện thực hành chức năng công tố và kiểm sát điều tra, có vị trí tố tụng tương ứng với các tòa chuyên trách của TAND Tối cao.
Một số vấn đề mới cũng được đưa ra trong lần tổng kết Bộ luật tố tụng lần này như xem xét sửa chế định chứng cứ theo hướng ngoài cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng, các chủ thể khác cũng có quyền thu thập, sử dụng chứng cứ; mở rộng, coi băng ghi âm, ghi hình, dữ liệu điện tử và các phương tiện khác ghi lại dấu vết tội phạm... là nguồn chứng cứ. VKSND Tối cao đề xuất kết quả thu thập được từ hoạt động trinh sát mà có phê chuẩn của VKS thì được coi là chứng cứ. Ngoài ra, để đẩy mạnh tranh tụng, có thể bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết, tòa có quyền triệu tập điều tra viên đến phiên xử để diễn giải quá trình thu thập chứng cứ của vụ án... |
Theo Pháp luật TP HCM