Thứ ba, 21/1/2020, 09:30 (GMT+7)

Tặng quà Tết sao cho thành ý

Dù xưa hay nay, việc tặng quà Tết cũng đều gửi gắm lời tri ân, chúc nhau một năm mới hanh thông, như ý, thắt chặt thâm tình.

Trao món quà ngày Tết thể hiện thành ý cảm ơn, tri ân đến nhau sau một năm cùng lao động, sản xuất là một vấn đề thực tế nảy sinh trong các mối quan hệ cộng đồng khi con người dựa vào nhau để sống. Tiến sĩ Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, người Việt vốn coi trọng văn hóa tặng quà Tết bởi tình làng nghĩa xóm vốn luôn được đề cao.

Tiến sĩ Trần Long.

Từ ngàn xưa, cây lúa nước đã gắn kết người Việt với nhau: cả xóm làng cùng chung tay cắm mạ, vào mùa thì hôm phụ gặt nhà bà Hai, mai tiếp nhà ông Bảy. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên kéo con người lại với nhau, đồng cam cộng khổ để vượt qua sóng gió. Quá trình đó khiến tình cảm tự nhiên xuất hiện, dù không là máu mủ ruột rà hay tình yêu đôi lứa.

Từ cái nghĩa, cái tình trong hoàn cảnh "tối lửa tắt đèn có nhau", khái niệm quà tặng xuất hiện. Trao món quà ngày Tết, chính là thắt chặt mối quan hệ, gói ghém sự tri ân...

Quà tặng Tết không chỉ nằm ở những mối quan hệ nghề nghiệp, hỗ trợ nhau lúc gặp khó khăn mà còn chứa đựng chữ hiếu với ông bà, cha mẹ; nghĩa với thầy và bạn. Thế nên mới có câu "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy". Món quà vốn mang tính thực tế nhưng vẫn đầy tế nhị, chân thành bởi đi kèm luôn có một thông điệp, sự nhắn nhủ.

Tặng quà chú trọng vật tặng, cách trao và thông điệp

Dù xưa hay nay, khi tặng quà Tết, người Việt luôn chú trọng ba yếu tố: quà tặng, cách tặng và thông điệp.

Xưa kia quà tặng chủ yếu là "của nhà trồng được" như con gà, chục quả trứng, ký nếp, nải chuối chín cây hoặc sản phẩm thủ công (gốm, sành, sứ...). Còn tầng lớp trí thức thì tặng chữ, câu đối đầu năm.

Ngày nay, phạm vi quà tặng đã mở rộng, không chỉ tặng cái nhà có sẵn mà có cả quà gói sẵn, hàng nhập khẩu... Công năng của món quà cũng vượt khỏi phạm vi tiêu dùng, mà còn được sử dụng để trang trí, làm đẹp...

"Có rất nhiều lựa chọn quà Tết, nếu tặng cho người thân, bạn bè, tôi sẽ tự tay làm một ít dưa muối, củ kiệu, tai heo ngâm... Nếu tặng cho đối tác, đồng nghiệp thì chọn những sản phẩm đóng gói, có thương hiệu và uy tín để họ an tâm sử dụng", Mỹ Xuân (29 tuổi, Hà Nội) cho biết.

Truyền thống ngàn đời của người Việt là "của cho không bằng cách cho", thế nên, món quà Tết phải do người lớn tuổi, như bố mẹ, ông bà đích thân mang biếu dù chỉ là miếng trầu, vài quả cau, miếng thịt lợn. Khi trao tay người nhận, cũng phải khéo léo: "Của ít lòng nhiều, ăn chút lấy thảo"... Ấy chính là cái nét tế nhị trong cách tặng quà Tết của người Việt.

Ngày nay, cách tặng quà vẫn đề cao thái độ, cách thức trao gửi như xưa, chỉ khác là có thêm nhiều phương tiện hỗ trợ. Nếu không thể trực tiếp tặng, phép lịch sự tối thiểu là nhấc điện thoại, chúc Tết và thông báo về món quà đang đến tay người nhận. Tâm ý biểu lộ ở đây, giúp bên tặng yên lòng, bên nhận ấm lòng.

Thông điệp của món quà cũng có sự thay đổi rõ nét. Xưa chỉ là lời cảm ơn, hiếu nghĩa, tình làng nghĩa xóm, thắt chặt quan hệ thì nay còn hàm ý tạo lập mối quan hệ mới hay tiếp thị, chào hàng, chúc tài lộc...

Điều quan trọng khi tặng quà Tết, theo Tiến sĩ Trần Long là phải cân nhắc giá trị sao cho phù hợp: "Món quà gửi đi phải xác định phù hợp với đúng mối quan hệ để người nhận cảm thấy vừa phải, đúng giá trị thực tế chứ không thực dụng, tránh giá trị vật chất quá lớn dẫn đến sự nghi ngại, khó xử khi nhận".

Người Việt chuộng quà mang ý nghĩa tài lộc

Có một nét đặc trưng nổi bật trong văn hóa quà tặng Tết của người Việt là chú trọng ý nghĩa tài lộc, chúc nhau thịnh vượng, phát đạt trong năm mới. Tâm lý này xuất phát từ khát vọng đổi đời, "cá chép hóa rồng".

Ở miền Nam ngày nay, mọi người thường chưng mãng cầu, trái dư, quả dừa, đu đủ, xoài với thông điệp "cầu dư dừa đủ xài" cũng vì thế. Hay ở miền Bắc, trong các bức tranh Đông Hồ, người ta họa hình ảnh em bé khỏe mạnh ôm con cua, tôm, gà lớn cũng nhằm gửi gắm ước vọng về một đời sống sung túc, giàu có...

Năm 2020 càng là thời điểm phù hợp để chúc nhau tài lộc dồi dào. Tý đứng đầu trong 12 con giáp, có đặc tính sinh trưởng nhanh, tiếng chuột kêu còn báo hiệu một mùa màng bội thu, nơi đâu có chuột nơi đó lúa thóc đầy bồ. Vì vậy, theo Tiến sĩ văn hóa Trần Long, tâm lý của một số người Việt trong ngày Tết năm nay là mong chờ các món quà gửi gắm lời chúc tài lộc, giàu sang.

Các món quà này thường có hình dáng thỏi vàng, xâu tiền hay màu sắc đỏ, vàng chủ đạo... Trong đó, đỏ là lửa, nguồn sống, năng lượng, mang ý nghĩa may mắn. Vàng biểu trưng cho mùa thu hoạch, trái chín vàng, nên được gắn là màu của cải. Để gửi tặng cho bạn bè, người thân, các món quà hàm chứa ý nghĩa tài lộc mà vẫn có tính phổ biến, dễ kiếm, nhiều ứng dụng lại càng được ưa chuộng hơn, tiêu biểu như dầu ăn. Chất sóng sánh của dầu ăn tượng trưng cho sự trơn tru, gửi gắm lời chúc hanh thông cho năm mới. Chữ "dầu" trong dầu ăn đọc trại âm đi là "giàu" trong chữ giàu có.

Tiến sĩ văn hóa Trần Long cho biết: "Dầu cũng là chất lỏng thuộc hành thủy, tượng trưng cho của cải. Một trong những nguyên liệu giúp tạo đủ yếu tố ngũ hành cho hoạt động khai bếp vào đầu năm mới".

Khai bếp bắt nguồn từ tập tục giữ lửa truyền thống của dân tộc, giúp duy trì hơi ấm gia đình, tạo giá trị kết nối mọi thành viên. Xưa kia cả nhà cùng tụm lại canh lửa nấu bánh chưng, ngày nay do điều kiện không cho phép, tục nấu bánh chưng cũng kém phổ biến dần, vì thế nhà nhà tiếp tục giữ lửa bằng việc khai bếp. Gian bếp là nơi duy nhất trong gia đình hội tụ đầy đủ các yếu tố ngũ hành - cơ sở để mọi thứ hanh thông. Do đó, khai bếp vào ngày đầu năm mới chính là đang cùng nhau thực hiện một tục lành. Bếp có ấm thì nhà mới an, từ đó giàu sang mới kéo về.

Khi biếu dầu ăn, người tặng có thể chia sẻ thêm cho gia chủ về cách thức khai bếp, để lời chúc năm mới trọn vẹn hơn. Khai bếp được thực hiện rất đơn giản với những dụng cụ có sẵn trong gian bếp, chỉ cần tiến hành trước bữa ăn đầu năm mới. Đầu tiên cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng: dụng cụ nấu nướng bằng kim loại như nồi, xoong, chảo có hình tròn, đầy đặn (kim); đôi đũa tre với một đầu tròn, một đầu vuông thể hiện âm dương hoà hợp (mộc); dầu ăn đầy ắp tượng trưng cho của cải đủ đầy, sung túc (thủy); bếp nấu (hỏa). Người khai bếp đóng vai trò trung tâm tượng trưng cho hành thổ, không nhất thiết phải là phụ nữ mà có thể là đàn ông, cả vợ chồng, gia đình đều có thể cùng khai bếp.

Khai bếp đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Trình tự khai bếp tương tự như khi nấu ăn, người đứng bếp chuẩn bị tâm lý vui vẻ, thoải mái, bắc chảo lên bếp, bật bếp rồi đổ dầu vào chảo, dùng đũa tre để cho thức ăn vào.

Bên cạnh ứng dụng vào việc khai bếp, dầu ăn còn ứng dụng vào chưng mâm ngũ quả. Nếu gia chủ là người miền Nam - vốn có lệ cầu gì chưng nấy - sẽ dùng dầu ăn để chưng với mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài gửi gắm mong ước "cầu giàu vừa đủ xài".

Dù là xưa hay nay, món quà Tết luôn ẩn chứa nhiều thông điệp mà người tặng muốn gửi trao. Nhưng điều cần nhất vẫn là sự chân thành, thêm một chút thấu hiểu về sở thích, mong muốn của người nhận, tin rằng người tặng sẽ chọn được món quà ý nghĩa nhất dành cho những người thân yêu.

Thảo Trang

QUA-TANG-TET-DAU-AN-NEPTUNE-3852-1579508

Hộp quà Tết Neptune nổi bật với hai màu: đỏ may mắn - vàng phú quý đi kèm các họa tiết chim én, đồng tiền vàng và giọt dầu vàng. Thông điệp "Giọt dầu vàng khởi ngàn tài lộc" in nổi ở mặt trước, nhấn mạnh hơn ý nghĩa giàu sang, gửi gắm lời chúc hanh thông, thịnh vượng.