Trong cuộc sống bộn bề, mùa Vu Lan nhắc nhở mỗi người lòng biết ơn đối với công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Ngoài việc quan tâm chăm sóc, yêu thương cha mẹ, bạn có thể chọn món quà thể hiện thành ý trân quý đấng sinh thành của mình.
Với người cao tuổi, sức khỏe luôn là mối quan tâm, bởi sau bao nhiêu năm lao động vất vả, các chức năng của cơ thể đã hao mòn, giảm sút. Những sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ sữa, tổ yến đến thiết bị y tế (máy massage, thiết bị đo huyết áp...) hay đơn giản là gia dụng tốt cho sức khỏe (nệm nằm, bình lọc nước...) đều là những món quà thiết thực, được nhiều người con chọn mua cho cha mẹ của mình.
"Ngày thường, tôi vẫn thường mua sữa cho người già biếu mẹ. Vu Lan năm nay, tôi tặng mẹ một chiếc nệm để chống đau lưng, mong mẹ sống vui khỏe bên con cháu", chị Hằng, 35 tuổi, ngụ tại quận 7, TP HCM cho biết.
Với anh Thành, Hải Phòng, biết bố thích tìm hiểu công nghệ, anh vừa quyết định tặng ông một chiếc điện thoại smartphone để bố lướt mạng đọc báo và lập tài khoản mạng xã hội để ngắm con cháu. "Phải mất cả tháng để hướng dẫn ông cụ, nhưng tôi và bố đều rất vui với món quà này", anh Thành kể.
Có người mang niềm vui đến cha mẹ qua các chuyến đi chơi đông đủ thành viên. Thương cha mẹ ngày trẻ không có điều kiện đi du lịch, chị Lê, 38 tuổi ở quận 2, TP HCM, mỗi năm đều cố gắng đưa cả nhà đi nước ngoài ít nhất một lần và đến ít nhất một điểm trong nước. "Lần nào đi, ông bà cũng vui ra mặt, như trẻ mấy tuổi. Tôi sẽ tranh thủ cho cha mẹ khám phá thế giới, bởi khi mỗi năm qua đi, sức khỏe các cụ yếu dần, khó tận hưởng trọn vẹn các chuyến du lịch", chị Lê tâm niệm.
Tuy nhiên tặng quà cho cha mẹ không dễ. Trong một buổi nói chuyện về "Chữ Hiếu trong xã hội hiện đại", được tổ chức vào mùa Vu Lan trước đây, Phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn từng nhận xét, cha mẹ nào cũng muốn hy sinh, để dành cho con cái. Thậm chí, kể cả khi con đã giàu có thành đạt, cha mẹ vẫn rất ngại nhận những món quà vật chất đắt tiền từ con.
Anh Bình, quận 4, TP HCM rất thấm thía việc khó tặng quà cho mẹ. Cuộc sống đầy đủ, là giám đốc một công ty khoảng 50 nhân viên, anh Bình luôn muốn mua nhiều thứ bù đắp cho mẹ. Bà nhất định không dùng những món quà đắt tiền của con cháu mang về "vì sợ các con tốn tiền, lãng phí", thậm chí bà còn mắng để các con khỏi tặng. Thời trẻ, ám ảnh bởi cuộc sống nghèo khó thiếu trước hụt sau, bây giờ dù các con đã giàu có, bà vẫn giữ thói quen dè sẻn, không chịu vứt bỏ những món đồ cũ vì cho rằng chúng vẫn còn dùng được.
Anh Bình xây nhà, dành riêng cho mẹ một căn phòng thông thoáng và đặt mua toàn bộ đồ nội thất mới, nhưng mẹ nằng nặc đòi mang chiếc giường tre cũ đã ọp ẹp, vỏ chăn con công, phích nước từ thời anh còn bé xíu vào phòng.
"Tôi phải cố tính làm hỏng dây điện của chiếc tivi 15 tuổi của mẹ, mẹ tưởng tivi không xem được nữa mới đồng ý bỏ đi, tôi mới có cơ hội mua tivi mới cho bà", anh Bình chia sẻ.
Biết cha mẹ không muốn làm phiền con, không muốn con tốn kém, mỗi lần mua tặng cha mẹ món quà gì hay dẫn cha mẹ đi ăn nhà hàng, du lịch, chị Thúy ngụ tại Thanh Xuân, Hà Nội thường phải nói là được công ty tặng voucher để cha mẹ thoải mái sử dụng.
Anh Tùng, 45 tuôi lại có cách biếu tiền mẹ đặc biệt. Biết đưa tiền không bao giờ mẹ nhận, một lần về quê thăm mẹ, anh giả vờ để quên một triệu đồng ở nhà bếp. Trên đường trở về TP HCM, anh mới gọi điện cho mẹ nhờ mẹ cất tiền và phải tiêu giúp mình, nhờ thế mà mẹ anh đã vui vẻ với món quà của con trai.
Xúc động khi nhận quà từ con cháu, song theo một chuyên gia tâm lý, với người già, đời sống tinh thần đôi khi còn quan trọng hơn cả vật chất, đó là những lời hỏi thăm, chia sẻ, động viên đến từ những đứa con của mình. Một món quà do shipper đưa đến không mang lại nhiều niềm vui bằng một lần được trực tiếp gặp đứa con ở xa.
Mùa Vu Lan, đi lễ chùa, dừng lại cài bông hồng lên ngực, những người được cài hoa hồng đỏ cảm thấy may mắn vì còn cha mẹ trên đời. Những người cài hoa màu hồng sẽ buồn khi đã vĩnh biệt một trong hai đấng sinh thành. Bông hồng trắng dành cho những người kém may mắn khi không còn cha và mẹ trên đời... Những bông hồng như một sự nhắc nhở mỗi đứa con đang có hay đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.
Cùng mẹ tới thắp hương cho ba ở nghĩa trang Hoa Viên Bình An ở Long Thành, Đồng Nai mới đây, anh Huân (quận 9, TP HCM) cảm thấy hối hận vì khi ba còn sống đã không quan tâm ông, cũng không thực sự hiểu ông nên hai cha con đôi lúc cự cãi.
Đến bây giờ, muốn bù đắp cho cha đã không kịp nữa, anh cho biết sẽ cố gắng để mẹ không phải buồn phiền vì mình như cha. "Mẹ còn bảo cả đời này yêu chỉ mình ba, khi mất đi cũng muốn được ở cạnh chồng", anh trả lòng và chia sẻ, mẹ cũng đã mua sẵn mộ phần cho mình ở Hoa Viên Bình An, đặt cạnh ông, để bà yên tâm mình không bơ vơ khi về thế giới bên kia.
Nắm chặt tay mẹ, anh tự hứa, những ngày còn được chăm sóc mẹ, anh sẽ cố gắng ở bên mẹ nhiều nhất có thể, sống hiếu thảo, hạnh phúc và thành công để mẹ luôn vui vẻ. Đó chính là món quà Vu Lan mà anh biết mẹ sẽ không bao giờ từ chối.
Diệp Chi