Sớm 13/10, xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) mưa trắng trời, dòng người đội khăn trắng lặng lẽ ra vào khu đất trống cách hiện trường 2 km - nơi làm lễ tang cho 10 người trong cùng dòng họ. 10 tấm di ảnh, song chỉ có 5 chiếc quan tài vì nhiều thi thể chưa tìm thấy.
Đàn ông trong xóm trèo rừng tìm cọc gỗ dựng bàn thờ, lều bạt. Phụ nữ, trẻ con nằm vạ vật trên nền đất nhầy nhụa bên quan tài. Ai nấy mắt đỏ hoe, chẳng nói với nhau câu nào. Dự tang lễ, một cụ già gần 90 tuổi thốt lên “chưa bao giờ xóm Khanh lại có nhiều người chết đến vậy”.
Ngồi trước linh cữu con trai 22 tuổi, ông Đinh Công Hươn (42 tuổi) chốc chốc lại chạy lo hậu sự cho 9 người thân khác là anh, em gái và các cháu. Ông Hươn nói thảm họa ập xuống dòng họ “kinh khủng quá”. Gia đình chẳng dám mong điều kỳ diệu xảy ra nên đã mua đủ 10 chiếc quan tài.
Hôm sạt lở, con trai ông sang nhà cô ruột Đinh Thị Hỉn (40 tuổi) ngủ nên bị vùi lấp cùng gia đình bà Hỉn. “Nhà tôi chỉ bị hư nhẹ, nhưng chẳng thể mang thi thể con trai về làm đám tang vì đang có nguy cơ sạt lở tiếp. Còn gì đau buồn hơn khi con chết mà không có được mái nhà hẳn hoi để tổ chức tang lễ”, ông Hươn nói.
Cách đó chưa đầy một mét, hơn chục người thân ngồi gào khóc trước linh cữu ông Đinh Công Hưn (anh trai ông Hươn). Khi nửa quả núi ập xuống, 5 người trong gia đình ông Hưn đang ngủ say và bị vùi lấp. Trong đó có 2 đứa con mới 8 tuổi và 4 tháng tuổi.
Do gia đình ông Hưn không còn ai, nên người thân, hàng xóm phải xúm vào tổ chức tang lễ. Anh Đinh Công Trọng, cháu ruột ông Hưn, bảo có nằm mơ cũng không dám nghĩ sẽ phải tiễn đưa cả gia đình chú ruột giữa mảnh đất trống như này. “Đêm qua, trời mưa lớn, gió mạnh giật tung tấm bạt che khiến mọi người phải ngồi dầm mưa phục linh cữu”, anh Trọng kể.
Anh Trọng ước “có một ngôi nhà tuềnh toàng, hay chỉ là một căn lán nhỏ để thi thể người thân khỏi phải đặt giữa trời mưa gió”. Trong số người thân tử nạn, anh Trọng nói, có đến "6 người đang ở độ tuổi mới lớn. Thiên tai thật đáng sợ khi chẳng dành cho ai con đường sống”.
Cách “nhà tang lễ” của 10 nạn nhân xấu số khoảng 500 m, người thân anh Đinh Công Hức, trưởng xóm Khanh, đang vạ vật ngóng tin tìm kiếm. "Bữa cơm tối 11/10, anh Hức còn buồn bã nói chưa lo cho vợ con được cuộc sống sung túc nên sẽ cố gắng hơn nữa. Không ngờ đó lại là bữa cơm cuối cùng cả gia đình quây quần bên nhau”, chị Đinh Thị Lân (vợ anh Hức) kể.
Sau bữa cơm, thấy trời mưa lớn, anh Hức dặn dò vợ con rồi vào cụm dân cư dưới chân thác Khanh giúp thu dọn đồ đạc, vận động sơ tán và cùng bị chôn vùi.
Hàng ngày, chị Lân thường trêu chồng là “người vác tù và hàng tổng” khi gần 20 năm lo việc xóm nhiều hơn việc nhà. “Đùa là thế nhưng việc nhà vẫn một tay anh ấy lo. Giờ mẹ con tôi chẳng biết bấu víu vào đâu”, chị Lân khóc nghẹn.
Hiện trường vụ sạt lở đất.
Thung lũng suối Khanh có hơn 10 hộ dân với 30 nhân khẩu sinh sống vốn bình yên do được bao bọc bởi những ngọn núi. Người dân chủ yếu làm nương và chăn thả gia súc. Hơn nửa quả đồi đổ xuống lúc rạng sáng 12/10 khiến 5 ngôi nhà sàn kiên cố bị san phẳng. UBND tỉnh Hòa Bình và huyện Tân Lạc hỗ trợ gia đình các nạn nhân 8 triệu đồng/người.
Thi thể 10 người trên tổng số 18 người mất tích đã được tìm thấy. Sáng 13/10, hơn 300 người thuộc các lực lượng quân đội, công an liên tục đào bới tìm kiếm nạn nhân mất tích. Chó nghiệp vụ và máy dò hình ảnh cũng được cảnh sát huy động để hỗ trợ tìm kiếm.
"Tuy nhiên, công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn và liên tục bị gián đoạn do trời mưa không ngớt. Chiều 13/10, nhà chức trách sẽ nổ mìn, phá đất đá để tìm kiếm thi thể”, lãnh đạo UBND huyện Tân Lạc nói.