Sáng 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có quy định mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa.
Theo quy định hiện hành, số giờ làm thêm tối đa của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Ban soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành. Việc này được cho sẽ đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động, đồng thời, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, tăng tính linh hoạt trong tổ chức sản xuất, kinh doanh...
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, trước đây khối cán bộ, công chức làm 48 giờ mỗi tuần, nay đã xuống 40 giờ. Còn công nhân đang làm 48 tiếng, nếu nâng lên là "đi ngược lại xu thế tiến bộ của thế giới"
Theo ông Chiến, vấn đề các cơ quan chức năng cần bàn tới không phải là tăng thời gian làm thêm mà là việc đảm bảo đời sống, y tế, chăm sóc sức khỏe... cho người lao động.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhận xét, nhu cầu tăng giờ làm thêm đến từ hai phía, nhưng lợi ích mà giới chủ nhận lại nhiều hơn so với người lao động. Vì vậy, bà Hải cho rằng không thể tăng mà còn phải tính đến phương án giảm sau 5 năm tới.
"Ở đây nếu có ai từng xem bộ phim Những cô gái trong thành phố sẽ thấy, nếu cứ liên tục tăng ca, công nhân sẽ không có thời gian để thụ hưởng những thành quả xã hội mà bản thân họ đóng góp xây dựng, như những khu vui chơi, giải trí, công trình công cộng", bà Hải nói.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cũng nêu thực trạng, làm việc nhiều giờ khiến các nữ công nhân không có thời gian chăm sóc con cái, gia đình. "Nhiều chị em không có điều kiện tìm bạn đời, con cái phải gửi ở quê, hoặc con mắc bệnh tự kỷ, suy dinh dưỡng", ông Hiểu nói và đề nghị Quốc hội quan tâm đến góc độ sức khoẻ của người lao động.
Theo ông Hiểu, năm 2012, khi làm Bộ luật lao động, Quốc hội quy định điều 104 là Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. "Trong điều kiện đất nước thu nhập thấp, các nhà làm luật đã nghĩ tới hướng phải giảm giờ làm trong tương lai", ông Hiểu nói và nhấn mạnh, sau 7 năm với tiến bộ đất nước đạt được thì nên thực hiện điều này để đảm bảo quyền lợi người lao động.
Ông Hiểu cung cấp thống kê của Bộ Y tế là sau 5 năm kể từ khi ban hành Bộ luật lao động 2012, tỉ lệ số người có sức khỏe loại I chuyển sang loại 4, loại 5 tăng lên hơn 8,5%; số người nghỉ phép vì lý do sức khỏe cũng tăng lên gần gấp 1,5 lần sau 7 năm.
Tổng thứ ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì nhấn mạnh yêu cầu đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất. Theo ông Phúc, nếu tăng giờ làm để tăng năng suất thì doanh nghiệp sẽ hạn chế cải tiến công nghệ mà chỉ tận dụng sức người. "Như vậy, người lao động sẽ rất khổ, không có thời gian chăm sóc gia đình", ông nói và nhấn mạnh "đã không giảm được giờ làm thì nên giữ nguyên như hiện hành".
Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được tiếp thu, hoàn chỉnh để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8, khai mạc cuối tháng 10.