Thông tin Tổng cục Đường bộ sắp ban hành '100 câu hỏi điểm liệt' sát hạch lái xe đang nhận được những phải hồi trái chiều trên VnExpress. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, việc tăng độ khó phần thi lý thuyết không giải quyết được tận gốc vấn đề:
Lý thuyết cũng chỉ là lý thuyết, có tăng hay giảm thì cũng vậy, quan trọng là ý thức và kỹ năng của người lái xe. Tôi nghĩ nên tăng số giờ thực hành trên xe và thay một phần lý thuyết lái xe như các câu đánh đố bằng các video về tai nạn giao thông do ý thức tham gia giao thông (sử dụng rượu bia, tạt đầu, vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, ngược chiều....) và kỹ năng lái xe (đạp nhầm ga, lùi xe không quan sát, không biết đánh trái hay phải khi lùi....). Quan trọng nhất với người lái xe là tôn trọng pháp luật, biết nhường đường, luôn đi đúng đường, dừng, đậu xe đúng nơi, đúng chỗ.
Học thuộc, làm bài đúng, thi đậu và được cấp giấy phép nhưng khi ngồi sau vô lăng chạy ra đường có áp dụng không hay vẫn chạy ẩu? Muốn xử lý tận gốc rễ vấn đề thì cần tăng nặng hình phạt chứ không phải tăng độ khó bài thi sát hạch.
Theo tôi việc học lý thuyết thi bằng lái ở Việt Nam còn nằm ở ý thức. Hầu như khi học để thi, người học đều thuộc nhưng sau này ra đường, ý thức, đạo đức người ngồi sau vô lăng mất dần.
Tôi nghĩ hãy học Australia, khi học xong lái xe hãy cấp cho một cái bằng màu cam. Sau 3 năm lái xe, không vi phạm bất cứ những lỗi được quy định thì được phép thi bằng xanh. Đậu bằng xanh mới chính thức là có bằng lái xe. Việc bắt buộc có bằng xanh sau 3 năm không để xảy ra lỗi thực tế chính là một quá trình rèn luyện ý thức tốt nhất. Tất nhiên việc quản lý các lỗi giữa bộ phận CSGT và đơn vị thi cấp bằng phải liên thông, nhưng việc này với cơ sở hạ tầng thông tin hiện nay quá dễ!
Các trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng chủ yếu là các xe tải trọng lớn, xe khách chạy nhanh, vượt ẩu và một số xe đạp nhầm chân ga (thường là các đối tượng mới lái). Như vậy, các tài xế đã chạy lâu năm có nhiều kinh nghiệm chắc chắn họ nắm hết được luật giao thông. Tuy nhiên do ý thức của họ coi thường tính mạng người khác nên khi tham gia giao thông có sử dụng chất kích thích như rượu bia, ma túy và buồn ngủ do làm quá thời gian quy định, hay cố tình vượt ẩu, chạy nhanh. Ở đây, việc tăng độ khó của chuyện học luật không giảm được tai nạn giao thông mà chỉ có tác dụng giúp người học dành nhiều thời gian học luật và nắm rõ luật hơn thôi.
Không hẳn người sai một câu trong bài thi trước đây hay là giờ sai một trong 100 câu điểm liệt thì khi ra ngoài họ sẽ dễ gây tai nạn. Nguyên nhân gây tai nạn là áp lực chạy xe của tài xế đi nhanh, tải trọng cao, chạy một mình suốt đêm thay vì phải có tài phụ hoặc phụ xe (đây là cách khoán tiền tài xế của các công ty vận tải). Vì áp lực muốn hái ra nhiều tiền nên tài xế mới không đủ sức lái xe và thường gây mất an toàn giao thông, hoặc do ngáo đá, bia rượu. Cách làm như này chưa đúng lắm.
Thực hành cỡ nào, thi khó cỡ nào mà sau đó vẫn rượu bia lái xe, ý thức thấp thì vẫn gây tai nạn hết. Tôi ví dụ thi thực hành bằng lái xe công, xe khách khó hơn nhiều so với thi bằng lái xe gia đình 5 chỗ. Nhưng các tài xế xe công, xe khách vẫn gây tai nạn như cơm bữa. Điều quan trọng là ý thức giao thông, nâng cao cái đó thì sẽ giảm tỷ lệ tai nạn
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.