Đây là nội dung trong Nghị quyết kỳ họp 6 Quốc hội khóa 15, được đại biểu bấm nút thông qua tại phiên bế mạc sáng 29/11.
Các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực cần được thanh kiểm tra còn có quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; đấu thầu, mua sắm tài sản công; đấu giá, tài chính, trái phiếu; xây dựng cơ bản, tổ chức cán bộ.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng, TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước, bộ, ngành, địa phương phải siết chặt kỷ luật, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đầu tư nguồn lực cho xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Chính phủ và các cơ quan tư pháp được giao xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng và thi hành pháp luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; phát hiện và xử lý các quy định có mâu thuẫn, chồng chéo.
Thời gian vừa qua, nhiều vụ án lớn về ngân hàng, trái phiếu bị khởi tố. Trong đó có vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh huy động gần 14.000 tỷ đồng của người mua trái phiếu. Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt 8.600 tỷ đồng của 6.630 nhà đầu tư.
Về lĩnh vực ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố về ba tội Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ. Theo cơ quan điều tra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của Ngân hàng SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.
Trong 86 bị can của vụ án này có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB đối mặt cáo buộc: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng hoặc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước - bà Đỗ Thị Nhàn, bị cáo buộc Nhận hối lộ hơn 5 triệu USD để chỉ đạo "xóa mờ" nhiều sai phạm nghiêm trọng của SCB.
Nghiên cứu sửa đổi chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng
Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng; nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Những tồn tại, vi phạm trong thi hành án dân sự cũng được Quốc hội đề nghị chấn chỉnh, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính. Tòa án nhân dân tối cao cần có giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính và đẩy mạnh giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền.
"Phải đấu tranh triệt phá tội phạm ma túy, mua bán người, công nghệ cao; tội phạm xâm hại, bạo hành trẻ em; giải quyết kịp thời các kiến nghị về việc xem xét, quyết định các bản án mà nhân dân quan tâm", Nghị quyết nêu.