Phản ánh tới Ngân hàng Nhà nước, một số cử tri tỉnh Khánh Hòa cho biết thời gian qua, người dân bức xúc vì vay vốn ở các ngân hàng, nhất là nhà băng tư nhân bị "cưỡng ép" mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, cháy nổ... mới được giải ngân.
Cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra và xử lý nghiêm hành vi ép mua bảo hiểm, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay.
Trả lời cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết Bộ Tài chính là cơ quan quản lý phụ trách lĩnh vực bảo hiểm, bao gồm các tổ chức tín dụng có hoạt động bán chéo bảo hiểm.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cho biết thường xuyên chỉ đạo, chấn chỉnh hoạt động bán chéo bảo hiểm của các nhà băng, yêu cầu chấp hành quy định, không để xảy ra trường hợp gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với dịch vụ, sản phẩm ngân hàng dưới mọi hình thức.
Đồng thời, cơ quan này nói cũng tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh ngân hàng có tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ hai thấp.
Thời gian qua, việc mua bảo hiểm một cách "đối phó" và không đúng nhu cầu, khiến nhiều khách hàng buộc phải huỷ ngang hợp đồng bảo hiểm mua qua ngân hàng. Tỷ lệ bỏ ngang hợp đồng bảo hiểm tại một số ngân hàng sau năm đầu lên tới 40-70%.
Phản hồi tới cử tri, Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này cũng đã bổ sung nội dung thanh tra hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các ngân hàng vào kế hoạch thanh tra năm 2023 với một số đơn vị.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã làm việc và thống nhất thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị về việc bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng.
Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng đã ký kết quy chế phối hợp giữa hai đơn vị. Điều này, theo Ngân hàng Nhà nước là bước tiến mới, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn giữa hai đơn vị tham mưu của Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính trong mục tiêu phát triển thị trường tài chính nói chung cũng như thị trường bảo hiểm một cách an toàn, lành mạnh.
Năm nay, kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng chững lại sau giai đoạn phát triển "nóng" và vấp phải phản ứng tiêu cực từ người dân. Một số ngân hàng và đối tác bảo hiểm đã phải ngồi lại để điều chỉnh các điều kiện phân phối bảo hiểm, chú trọng hơn vào chất lượng bán hàng thay vì doanh số.
Gần đây, hai "ông lớn" Manulife và Techcombank chấm dứt hợp tác độc quyền dài hạn, sau khi không đạt được thoả thuận chung. Giới trong ngành nhận định, doanh nghiệp bảo hiểm đã cẩn trọng hơn với "túi tiền" và uy tín của mình, thay vì lao vào cuộc đua giành vị trí độc quyền tại các ngân hàng như trước.
Quỳnh Trang