Công văn Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi đi ngày 12/3 nêu rõ các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nhà trường lựa chọn công cụ dạy qua Internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ hỗ trợ nhà trường thông qua website https://olm.vn và thư điện tử a@olm.vn.
Với dạy học qua truyền hình, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các tỉnh thành lựa chọn giáo viên và khung giờ phát sóng đảm bảo chất lượng, phù hợp với chương trình học. Các tỉnh cũng có thể liên hệ với một số địa phương đã triển khai dạy qua truyền hình để tham khảo, tiếp sóng cho học sinh học tập; đồng thời tham khảo lịch phát sóng các bài học trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia (VTV7) và một số kênh trung ương khác.
"Các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập, hướng dẫn học sinh, phối hợp với gia đình có biện pháp quản lý hoạt động học, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện của học sinh", Bộ chỉ đạo. Khi học sinh đi học trở lại, các trường phải rà soát, đánh giá kết quả học trực tuyến, từ đó tinh giản nội dung và điều chỉnh kế hoạch dạy học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gửi công văn tới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm yêu cầu áp dụng phương thức đào tạo từ xa với một số học phần phù hợp, khuyến khích sử dụng phương thức trực tuyến qua mạng.
Khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước được nghỉ học phòng tránh Covid-19 từ đầu tháng 2. Nhiều đại học đã đào tạo trực tuyến, như Đại học Kinh tế quốc dân, Mở Hà Nội, FPT. Với khối phổ thông, nhiều trường tổ chức dạy học qua Internet, đặc biệt là các trường tư thục. Một số địa phương đã tổ chức dạy học trên truyền hình như Đồng Nai, TP HCM, Hà Nội, Thừa Thiên Huế.
Đến sáng 13/3, Covid-19 đã xuất hiện tại 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 134.000 người nhiễm, gần 5.000 người chết. Tại Việt Nam, từ ngày 6 đến 13/3 có thêm 28 ca nhiễm bệnh mới, nâng tổng số người mắc lên 44, trong đó 16 người đã khỏi.