Người mẹ họ Feng cho biết con gái cô thích game và ngại giao tiếp. Vợ chồng cho rằng cô bé thiếu tự tin khi giao tiếp vì con có hình thức không ưa nhìn.
Cô Feng đề nghị con phẫu thuật thẩm mỹ nhưng phải sau khi trải qua kỳ thi đại học, con gái mới đồng ý. Gia đình nói chuyện với một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và vạch ra một bảng kế hoạch, bao gồm sửa mũi và cằm.
Người mẹ rất vui với kết quả sau phẫu thuật thẩm mỹ của con. Cô nói: "Tất cả họ hàng và bạn bè đến thăm đều khen ngợi con gái tôi rằng con bé trông thật xinh đẹp".
Tuy nhiên, món quà của người mẹ lại gây tranh cãi ồn ào trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số ca ngợi Feng vì sự thấu hiểu con nhưng rất nhiều bậc cha mẹ phản đối, cho rằng đây không phải là giải pháp hay giúp cải thiện sự tự tin của cô gái trẻ. Một số người cảnh báo rằng những giải pháp như vậy thực sự có thể làm trầm trọng thêm những lo lắng liên quan đến ngoại hình. Họ cho rằng không phải cô gái thiếu tự tin mà là cha mẹ của cô ấy.
Một số người cũng chú ý rằng cô con gái đã được đón từ bệnh viện bằng một chiếc Porsche và đánh giá, chỉ khi giàu có, bạn mới có thể tặng con một món quà như vậy và không phải ai cũng nên học theo.
Theo dữ liệu từ iResearch Inc, thị trường thẩm mỹ của Trung Quốc đang phát triển theo cấp số nhân. Quy mô của thị trường trị giá 217,9 tỷ tệ (30 tỷ USD) vào năm 2021, được dự đoán sẽ tăng gấp đôi lên gần 410,8 tỷ tệ vào năm 2025.
Theo dữ liệu của GengMei, một ứng dụng hàng đầu của Trung Quốc cung cấp các dịch vụ làm đẹp, hơn một nửa số khách hàng đặt hàng trên các kênh phẫu thuật thẩm mỹ trực tuyến ở độ tuổi 20.
Những người nổi tiếng cũng thường nói về việc phẫu thuật thẩm mỹ đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào. Ví dụ, Zhou Chuna, một người có ảnh hưởng Gen Z ở Thượng Hải đã trải qua hơn 100 ca phẫu thuật thẩm mỹ từ năm 2017 đến 2021, theo tờ China Youth Daily. Tháng 3/2020, cô đã lên mạng xã hội để chia sẻ nhật ký phẫu thuật thẩm mỹ của mình và nhanh chóng thu hút được hơn 300.000 người theo dõi.
Thùy Linh (Theo SCMP)