Trước đó, dư luận ồn ào và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải lên tiếng chỉ đạo: "Từ nay, các địa phương không được nhận ôtô do doanh nghiệp tặng". Đà Nẵng cho biết, họ trả xe là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, còn việc nhận xe được tặng là “phù hợp với các quy định hiện hành”. Cà Mau cũng khẳng định việc nhận 2 chiếc Lexus là đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định, và nhằm “phục vụ vào các công việc như đi kiểm tra chỉ đạo đê, kè, khắc phục tình trạng hạn hán kéo dài, phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng… “.
Đúng hay sai còn là một câu chuyện chưa có hồi kết, nhưng việc những món quà tặng bị phát hiện và sau đó được trả lại là một tín hiệu tốt. Tự nhiên tôi nghĩ đến nguyên lý "tảng băng trôi" của nhà văn Mỹ Ernest Hemingway.
"Tảng băng trôi" của Hemingway hiểu đơn giản là chỉ một phần chóp của tảng băng nổi trên mặt nước, 7 phần còn lại chìm phía dưới. Trong văn học, ta hiểu những điều tác phẩm muốn nói trong phần khuất lấp kia mới là phần quan trọng của tác phẩm. Tôi nghĩ, có một tảng băng quà biếu cũng đang trôi lững lững đâu đó trong xã hội chúng ta. Những phần nổi như đã biết chưa phải là quan trọng bằng những gì còn chìm khuất chưa được phát hiện, công bố.
Sau Đà Nẵng, Cà Mau, Nghệ An cũng được phát hiện tiếp nhận xe trị giá gần 3 tỷ đồng từ doanh nghiệp với mục đích "phục vụ lãnh đạo đi công tác". Tỉnh Ninh Bình cũng từng từ chối nhận 3 xe ôtô do một doanh nghiệp tặng dù trước đấy tỉnh đã có công văn gửi bộ Tài chính xin được xác nhận sở hữu nhà nước và được cấp biển xanh. Tất cả những món biếu - tặng này đều là xe hạng sang, vượt tiêu chuẩn xe công đối với lãnh đạo tỉnh cũng như tập thể sử dụng được Chính phủ quy định.
Sẽ còn bao nhiêu tỉnh đã nhận xe của doanh nghiệp? Và chuyện biếu tặng này còn tiếp tục bao lâu nữa nếu không có việc trả xe của Đà Nẵng và Cà Mau? Tôi chắc chắn rằng còn nhiều, rất nhiều và sự việc không đơn giản như cách biện luận của Cà Mau và Đà Nẵng.
Khoảng 10 năm trước, khi chúng tôi bắt tay vào làm phim "Ma làng", một doanh nhân ở Hà Giang đã đề nghị tài trợ cho đoàn phim, với mấy chục con người, toàn bộ kinh phí ăn ở khách sạn nếu phim quay ở Hà Giang trong khoảng 3 tháng. Vị này cũng muốn bao toàn bộ chi phí phục dựng hiện trường cũng như đạo cụ của một phim về nông thôn thời bao cấp. Đó là cả một khoản kinh phí khổng lồ với một đoàn phim không mấy dư dật tiền bạc như chúng tôi. Tôi thì được anh này tặng một xe ôtô Camry đang sử dụng. Món quà cá nhân tôi từ chối vì không biết lái xe. Còn lời đề nghị với đoàn phim, chúng tôi sau đó cũng không nhận vì bối cảnh Hà Giang không phù hợp.
Khi phim đang quay ở Hòa Bình vị doanh nhân này vướng vòng lao lý.
Tôi đưa dẫn chứng này để thấy dù là không có động cơ gì qua lại ở khoản tặng nhưng cú sa sẩy pháp luật kia biết đâu sẽ gây những hậu họa khôn lường cho một bộ phim nhà nước sản xuất. Sẽ thế nào nếu những doanh nghiệp tặng xe có điều tiếng và việc biếu tặng có vô tư đến mức không cần điều kiện trở lại có lợi cho doanh nghiệp khi họ có dự án liên quan đến địa phương? Bánh ít cho đi, bánh quy cho lại - điều này ai cũng có thể ngầm hiểu. Sự xung đột lợi ích công - tư là điều khó tránh khỏi.
Nhân chuyện tặng xe tôi nghĩ tại sao các cấp thẩm quyền không nhanh chóng khoán hóa xe công vào các cương vị công tác. Xe tư nhân hiện nay được sử dụng rộng rãi trong nhiều gia đình. Ở các cương vị lãnh đạo nếu sử dụng xe tư thì đó là một tiện lợi cho cả cá nhân lẫn cơ quan nên khuyến khích. Tiêu chuẩn xe công thế nào hưởng thế ấy và sử dụng xe của mình. Lúc đó chắc người sử dụng xe chẳng cần phải dựa vào tiêu chuẩn quy định của Chính phủ mà là do khả năng kinh tế và nhu cầu của từng cá nhân. Một chiếc xe sang đến mấy nếu minh bạch nguồn gốc thì đó là sự bình thường chẳng ai lấy đó làm điều thắc mắc.
Còn câu chuyện doanh nghiệp tặng xe và nguyên lý "tảng băng trôi" quà tặng này nên kết thúc ở chỗ cần phải có một thống kê chính xác có bao nhiêu xe đã được tặng; và phải xử lý rốt ráo bằng một văn bản thống nhất để dứt điểm mọi hậu quả quá khứ, bảo vệ uy tín cho cá nhân và tập thể lãnh đạo của các cơ quan công quyền.
Bởi bao nhiêu chiếc xe sang cũng không mua được uy tín, niềm tin của xã hội đối với các cơ quan công quyền.
Phạm Ngọc Tiến