Theo CNN, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi khí hậu thuộc Đại học New South Wales (Australia) và tổ chức West Coast Penguin Trust (New Zealand) phối hợp thực hiện nghiên cứu và công bố trên tạp chí Antarctic Science tháng này.
Các dữ liệu nghiên cứu cho thấy quần thể chim cánh cụt Adelie tại khu vực mũi Cape Denison, vịnh Commonwealth, phía đông Nam Cực có số lượng khoảng 160.000 con trong tháng 2/2011, nhưng đến tháng 12/2013, đàn chim cánh cụt này chỉ còn khoảng 10.000 con.
Nguyên nhân khiến 150.000 con chim cánh cụt bị chết được xác định là do tảng băng trôi mang ký hiệu B09B có diện tích khoảng 100 km2 mắc kẹt và sáp nhập vào vịnh Commonwealth vào tháng 12/2010.
Sự sáp nhập của B09B khiến diện tích băng ở vịnh Commonwealth được mở rộng, buộc chim cánh cụt Adelie phải di chuyển xa hơn 60 km để tìm nguồn thức ăn. Lúc này, hành trình mang thức ăn về nuôi con của chúng bị chậm lại, khiến hàng nghìn con non chết đói.
"Trong quá trình điều tra vào tháng 12/2013, chúng tôi phát hiện hàng trăm trứng chim cánh cụt bị bỏ rơi, còn mặt đất bị ô nhiễm bởi hàng loạt xác chim con chết đông cứng trong mùa sinh sản trước đó. Quang cảnh thật im lặng đến kỳ lạ", Sydney Morning Herald trích lời trưởng nhóm nghiên cứu Chris Turney tại Đại học New South Wales.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận định quần thể chim cánh cụt Adelie tại vịnh Commonwealth có thể bị tuyệt chủng trong vòng 20 năm tới nếu tảng băng trôi B09B không chuyển dịch hoặc lớp băng vĩnh cửu trong vịnh không nứt ra.
Chim cánh cụt Adelie sống phổ biến dọc theo vùng bờ Nam Cực. Con trưởng thành có kích thước khoảng 46-75 cm và cân nặng 3,6-6 kg. Mùa sinh sản của chúng từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm và thức ăn ưa thích là cá nhỏ và nhuyễn thể.
Huỳnh Phương