Được biết đến với tên gọi A23a, tảng băng khổng lồ có kích thước bằng một thành phố này đã tách ra từ thềm băng Filchner-Ronne của Nam Cực vào năm 1986. Sau đó, nó bị mắc kẹt dưới đáy biển ở biển Weddell trong hơn 30 năm trước khi bắt đầu di chuyển nhẹ nhàng trở lại vào năm 2020. Đầu năm 2024, nó bước vào giai đoạn "xoay tròn" và bắt đầu quay vô định 15° mỗi ngày.
Theo thông báo mới từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, A23a đang di chuyển trở lại qua Nam Đại Dương quanh Nam Cực.
Dự kiến, tảng băng khổng lồ này sẽ tiếp tục hành trình theo dòng chảy vòng quanh Nam Cực và kết thúc gần đảo Nam Georgia, nơi nó sẽ tiếp xúc với nước ấm, khiến tảng băng tan thành những tảng băng nhỏ hơn và cuối cùng tan chảy hoàn toàn.
"Thật thú vị khi thấy A23a di chuyển trở lại sau những khoảng thời gian bị mắc kẹt. Chúng tôi quan tâm xem liệu nó có đi theo con đường mà các tảng băng lớn khác đã tách ra từ Nam Cực đã đi qua hay không. Quan trọng hơn là tác động của điều này đến hệ sinh thái địa phương như thế nào", Tiến sĩ Andrew Meijers, nhà hải dương học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, đồng lãnh đạo dự án OCEAN:ICE, phát biểu trong một tuyên bố.
Các nhà khoa học đang theo dõi sát sao cách A23a ảnh hưởng đến môi trường mà nó đang trôi qua. Cuối năm ngoái, tàu RRS Sir David Attenborough đã ghi lại hình ảnh tảng băng và thu thập mẫu từ cuộc tiếp xúc gần để hiểu rõ hơn về lộ trình tương lai và tác động tiềm năng của nó.
Theo Laura Taylor, nhà hóa sinh học làm việc trong dự án BIOPOLE trên tàu RRS Sir David Attenborough, những tảng băng khổng lồ này có thể cung cấp dưỡng chất cho các vùng nước mà chúng đi qua, tạo ra các hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ ở những khu vực ít sản xuất hơn. Tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa biết sự khác biệt mà từng tảng băng, quy mô và nguồn gốc của chúng có thể tạo ra cho quá trình đó.
"Chúng tôi đã lấy mẫu nước bề mặt đại dương phía sau, ngay bên cạnh và phía trước lộ trình của tảng băng. Mục đích phân tích xác định sự sống có thể hình thành xung quanh A23a và cách nó ảnh hưởng đến carbon trong đại dương và cân bằng của nó với khí quyển", Taylor bổ sung.
Bảo Chi (Theo IFL Science)