"Tôi không chấp nhận và cũng không tha thứ cho việc giết hại nhà báo, dù động cơ và lý do của những kẻ giết người là gì", Tổng thống đắc cử Philippines Rodrigo Duterte nói. Khoảng 175 nhà báo đã bị giết ở Philippines từ năm 1986.
"Tôi chưa bao giờ nói rằng việc giết nhà báo vì họ có liên quan đến tham nhũng là hợp lý", Duterte cho biết trong một tuyên bố được phát ngôn viên của ông, Salvador Panelo, gửi cho các hãng tin. Ông đã ngừng tổ chức họp báo sau phát biểu gây tranh cãi
"Nhiệm vụ của tôi với tư cách tổng thống là duy trì và thực thi luật pháp. Tôi sẽ truy tìm và truy tố những kẻ giết người đến tận cùng".
Tuần trước, Duterte nói rằng: "Bạn là nhà báo, không có nghĩa là bạn được 'miễn tử kim bài' - không ai ám sát bạn. Nếu bạn chỉ là đồ chó đẻ, bạn đáng chết".
Phát biểu của ông làm dấy lên làn sóng phản đối từ các nhóm nhà báo, trong đó có tổ chức Phóng viên Không biên giới (RWB) có trụ sở tại Pháp. RWB đã kêu gọi truyền thông tẩy chay nhà lãnh đạo này.
Hôm qua, ông Duterte giải thích lời nhận xét của mình. "Ý tôi là bạn không cần phải là một nhà báo thì mới là đối tượng dễ bị ám sát", ông nói.
"Có rất nhiều trường hợp nhà báo bị giết vì tác nghiệp, nhưng có những người bị giết bởi vì họ thiên vị, nhận hối lộ và không giữ lời. Sự cao quý của nghề báo không áp dụng cho những kẻ tống tiền và tội phạm", ông nói thêm.
Một nhóm luật sư và các nhà báo Philippines cho biết họ hoan nghênh tuyên bố mới nhất của ông Duterte. "Chúng tôi hy vọng sẽ thấy ông ấy đưa ra không chỉ là một chỉ thị rõ ràng về việc loại bỏ văn hóa ngó lơ cho tội phạm, mà còn những bước cụ thể để làm tê liệt và cuối cùng diệt tận gốc nó", Romel Regalado Bagares của Trung tâm Luật Quốc tế tại Manila, nhận xét.
Ông Duterte, 71 tuổi, đắc cử tổng thống Philippines sau cuộc bầu cử hôm 9/5. Duterte được coi là Donald Trump của châu Á với nhiều phát ngôn gây sốc. Duterte cho biết ông dự định sẽ khôi phục án tử hình, trao quyền nổ súng giết nghi phạm trốn chạy cho lực lượng an ninh trong các cuộc bắt giữ.
Phương Vũ