- Vừa được Quốc hội phê chuẩn trở thành người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước, ông sẽ bắt đầu công việc mới khi nào và ưu tiên làm những gì?
- Quyết định bổ nhiệm của Quốc hội có hiệu lực ngay nhưng chắc tôi phải mất một thời gian để chuẩn bị, làm quen với công việc mới. Còn về ưu tiên, tôi nghĩ tất cả còn ở phía trước. Tôi sẵn sàng trả lời báo chí trong một dịp khác.
![Nguyen-Huy-Van-2[1230090083].jpg](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2013/05/25/Nguyen-Huy-Van-2-1369469988.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8IGFNRmfEpS4xtvhDLE_wA)
- Từng nhiều năm làm giám đốc sở tài chính, chủ tịch tỉnh… Ông cho rằng kinh nghiệm tại địa phương sẽ giúp gì mình trong công tác mới?
- Tôi học chuyên ngành về tài chính và nhiều năm làm công tác này. Về chuyên môn thì kiểm toán và tài chính cũng có nhiều điểm tương đồng. Tôi đã làm công tác này rồi nên đó là yếu tố có thể giúp tiếp cận phương pháp làm kiểm toán.
Tôi với anh Đinh Tiến Dũng, kể cả anh Vương Đình Huệ trước đây nữa, rất gần gũi. Do đó, chúng tôi có thể thường xuyên trao đổi vì công việc cần có sự phối hợp.
- Là ngành nhạy cảm, phải đưa ra những ngóc ngách sai phạm như của những tập đoàn lớn hoặc chi tiêu của các địa phương. Ông nghĩ sao về trách nhiệm của mình?
- Kiểm toán hoạt động theo nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan và tuân theo pháp luật. Vì thế, phải làm sao làm sao để tuân thủ theo các nguyên tắc đó. Tôi nghĩ cơ chế chính sách hiện nay, tất nhiên có những cái đã chuẩn, có những cái chưa thì cần phải xem xét thực tế để kiến nghị. Đó cũng là trách nhiệm của kiểm toán.
- Ông nghĩ sao về việc công khai nhiều hơn các báo cáo kiểm toán cho công luận, như người tiền nhiệm là ông Đinh Tiến Dũng từng nói sẽ cố gắng thực hiện?
- Theo quy định hiện nay, có những con số phải công khai, có những con số nằm trong phạm vi chưa chính thức nên không công khai được. Những gì kiểm toán công khai là những con số có thể cung cấp cho báo chí. Vì thế, những gì theo quy định cho phép thì tôi sẽ cố gắng làm.
Nguyễn Hưng ghi