Trong ngôi nhà ở quận Thông Châu, một cây rau mùi mọc lặng lẽ nơi góc bếp. Khi chủ nhà cần sẽ ngắt ba bốn cành cho vào nồi nhằm tăng hương vị món xào.
Cây rau mùi nằm trong chiếc chậu nhỏ của vợ chồng Lâm Hoa, Lý Đóa. Vào các mùa khác nhau, một số rau gia vị cần thiết sẽ được trồng tại đây. Lý Đóa nhớ cây rau mùi này được mua chung với bốn cây khác, hết 3 tệ. Nếu chỉ nấu một bữa là quá lãng phí nên cô để lại một gốc trồng trong chậu. 5 tháng gần đây cô không phải mua thêm rau mùi.
Với Lâm Hoa và Lý Đóa, cuộc sống càng ít chi tiêu càng tốt. Lâm Hoa làm trong lĩnh vực truyền thông, còn Lý Đóa làm về phần mềm. Chi tiêu hàng tháng của họ chỉ chiếm 1/10 thu nhập.
Thùng rác trong nhà không có gì ngoài rau hỏng và khăn giấy đã sử dụng. Ban công chất đầy túi nhựa, bên trong chứa đồ cũ do người thân và bạn bè tặng. Hộp carton xuất hiện khắp nơi trong nhà và được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Chiếc hộp dài và hẹp được dùng làm bàn cạnh giường ngủ, phía trên đặt phích cắm, đèn và tã lót. Một chiếc hộp các tông khác lại là nơi chứa quần áo trẻ em và khăn giấy. Những hộp nhỏ hơn được gấp gọn và xếp cạnh tủ lạnh, khi cần có thể đem bán lấy chút tiền.
Để duy trì chế độ ăn cơ bản với đa phần là bánh bao tự làm, gia đình này chỉ có ba cái nồi. Một nồi cơm kiểu cũ, một cái chảo và một xửng hấp đã ố vàng sau nhiều năm sử dụng.
Lý Đóa giới thiệu nồi hấp được đổi bằng điểm thẻ tín dụng với giá 0 đồng; trứng được đổi từ trò chơi nông trại trực tuyến; bột mì cũng đổi từ điểm thẻ ngân hàng, thậm chí đến giấy lót bánh cũng có giá 0 đồng vì được quy đổi khi đăng nhập trên nền tảng mua sắm trực tuyến. Cặp vợ chồng này đã quen thuộc với việc quy đổi thực phẩm và có thể tính toán chi phí một bữa ăn theo ý muốn.
Trên bàn ăn có chiếc ấm trắng đời cũ được chủ nhà mua từ 7 năm trước. Họ vẫn đun sôi nước uống vì cho rằng hệ thống lọc nước chi phí quá cao và không tiết kiệm điện khi máy hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Thứ xa xỉ nhất trong nhà là đôi giày thể thao cũ của Lâm Hoa, được đồng nghiệp tặng lại. Tuy nhiên, vì chân anh to hơn một cỡ nên Lâm biến chúng thành dép để đi dạo mỗi ngày.
Nhờ cách chi tiêu này, hai vợ chồng đã tiết kiệm được hai triệu tệ (6,5 tỷ đồng) mua nhà, dù nhiều lúc họ thấy đồ đạc bên trong còn không bằng nhà đi thuê.
Năm 2016, với giá nhà đất tăng chóng mặt ở các thành phố lớn, Lâm Hoa, 36 tuổi mua căn hộ hai phòng ngủ rộng 100 m2 đã qua sử dụng, với phần lớn vay ngân hàng. Khi mua, anh không chi quá nhiều tiền cho nội thất. Anh chạy khắp các chợ nội thất giá rẻ ở Bắc Kinh chọn hàng cũ hay hàng lỗi với tổng chi phí chưa đến 10.000 tệ (32 triệu đồng). Năm 2022, cặp đôi mới sinh con.
Trong ngôi nhà của cặp vợ chồng, quần áo được giới hạn dù nhà có thêm trẻ nhỏ.
"Chúng tôi mỗi người chỉ có 5 bộ quần áo và 4 đôi giày cho mỗi mùa. Trừ phi quần áo sờn rách hoặc rất cần thiết mới mua cái mới", Lý Đóa nói và cho ví dụ về bộ quần áo duy nhất cô mua năm ngoái, chuyên dành cho con bú, giá chỉ 15 tệ. Trong tủ vẫn còn hai chiếc cái áo khoác cô mua năm thứ hai đại học và chúng vẫn được sử dụng khi ra ngoài vào mùa đông.
Quần áo của con gái hầu hết là người khác cho. Với cặp đôi này, trẻ con không có khái niệm quần áo mới hay cũ, chỉ cần sạch và ấm là đủ. Ngay cả chiếc chăn của con, cũng được tặng từ gói sinh mổ trong bệnh viện. Họ cũng từng được tặng miễn phí một chiếc ghế ăn trẻ em và một xe đẩy. Tuy nhiên chiếc ghế quá dốc khiến cô bé khó ngồi yên. Sau đó chiếc xe đẩy trở thành ghế ăn và chiếc ghế ăn ban đầu được tận dụng làm nơi chứa đồ đạc. Từ cách tiết kiệm như vậy, chi phí sinh hoạt hàng tháng được khống chế khoảng 1.000 tệ.
"Vì tiết kiệm, chúng tôi mới mua được nhà ở nội thành Bắc Kinh", Lâm Hoa nói.
Người đàn ông 36 tuổi sinh ra ở vùng nông thôn tỉnh An Huy. Gia đình nghèo khiến anh hình thành thói quen tiết kiệm từ bé. Sau này Lâm tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng và tìm được công việc ổn định. Tuy nhiên, anh vẫn lo sợ phải trở lại cuộc sống nghèo đói cũ. Bởi vậy, sau khi tan làm, Lâm không dám nghỉ ngơi, quyết tâm tiết kiệm tiền để làm việc lớn như mua nhà.
Còn Lý Đóa sinh ra ở thành phố Thiên Tân trong gia đình khá giả. Vì là con một nên cô có cuộc sống đầy đủ vật chất. Mọi việc thay đổi chỉ vào năm cuối đại học, mẹ bị ung thư khiến tiền của trong nhà đội nón ra đi. Sau khi bà mất, gia đình khánh kiệt, Lý Đóa chỉ dám ăn mì luộc trộn với tương cả tháng. Sau này cô học cách tiết kiệm, bởi luôn có cảm giác an toàn và tự tin khi "trong túi luôn có tiền".
Vì cùng chí hướng tiết kiệm nên từ khi yêu cho đến kết hôn, cặp đôi này chưa từng cãi nhau. Họ có thể thức khuya thảo luận mua đồ ở đâu rẻ nhất. Cả hai cũng là thành viên tích cực của các nhóm buôn bán đồ cũ.
Ở nhóm này, khi nhìn thấy những thứ miễn phí hữu ích, họ sẽ đến lấy ngay lập tức. Nhiều đồ đạc trong nhà có được theo cách này nhưng hai vợ chồng không bao giờ nghĩ đó là đồ ăn xin hay bởi họ quá keo kiệt, mà chỉ nghĩ nên tiết kiệm đến mức tối đa.
Việc mua nhà ở nội thành Bắc Kinh của Lâm Hoa và Lý Đóa khiến nhiều bạn bè ghen tị. Với nhiều người làm công ăn lương bình thường, mua một căn nhà và định cư ở thủ đô là điều quá xa xỉ. "Tôi luôn suy nghĩ bằng mọi cách phải mua được nhà ở Bắc Kinh. Số bố vất vả rồi, nên để con cái được sung sướng", anh nói.
Ban đầu họ thuê một căn nhà ở vùng ngoại thành và có ý định mua tại đây vì giá rẻ hơn. Nhưng cuộc sống ồn ã với những người hàng xóm làm đủ nghề khiến Lâm ngán ngẩm. Anh bàn với vợ, cần thắt chặt chi tiêu hơn nữa để mua nhà nội thành, con cái lớn lên được học trường công tốt, tương lai sẽ rộng mở.
Đôi khi cả hai cũng bị lung lay bởi sức hút tiêu dùng. Ví như Lý Đóa từng mua một chiếc túi nhái hàng hiệu giá 80 tệ đi làm. Nhưng khi nhìn thấy đồng nghiệp khoác chiếc túi thật giá 20.000 tệ, cô thấy xấu hổ nên giấu đi. Vài ngày sau, Lý nhận ra không có gì sai khi mỗi người có cách sống riêng, nên lại mang túi đi làm. Nếu có ai hỏi nguồn gốc, cô thẳng thắn trả lời: "Đó là đồ giả".
Với nhiều năm trả góp, mục tiêu sở hữu hoàn toàn một căn hộ trong nội thành Bắc Kinh với cặp đôi sắp thành hiện thực. Dù đôi lúc họ tự đánh giá bản thân giống như những người cổ đại sống trong thành phố hiện đại. Tuy nhiên so với cuộc sống không nơi ở cố định của đa số người nhập cư, Lâm Hoa và Lý Đóa luôn thấy hạnh phúc bởi có nhà cửa và ít tiền tiết kiệm.
"Chắc còn lâu nữa chúng tôi mới có cuộc sống bình thường như người thành phố, nhưng nghĩ tới tương lai tươi sáng của con gái, với tôi thế là đủ", Lâm Hoa nói.
Trang Vy (Theo qq)