Bà là Phạm Thị Nỉ (Sáu Hòa), 75 tuổi, hiện sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bến Tre. Hằng ngày bà vẫn sắc thuốc bắc trị bệnh gan. Bà bảo thuốc rất đắng, nhưng phải cố uống để “khi chết đi, ĐH Y dược nhận được tấm thân già tương đối nguyên vẹn”.
3.000 đồng/ngày là đủ rồi
Mấy hôm nay bà bị cảm, ho sù sụ. Bữa cơm trưa của bà chỉ một bát cơm và khoảng chục con cá lòng tong kho khô. Bà nói: “Tiêu chuẩn của tôi là mua 5.000 đồng thịt hoặc cá ăn trong hai ngày và mỗi tháng ba ký gạo. Vị chi mỗi ngày tốn khoảng 3.000 đồng. Như vậy là quá đủ rồi!”. Chị Hồ Thị Phượng, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội, giải thích: “Bà Sáu sống kham khổ để dành dụm từng đồng giúp người nghèo trong tỉnh. Có khi vừa lĩnh chế độ thương binh xong bà thuê xe ôm mang hết đến giúp gia đình khó khăn”.
Khi về nghỉ hưu, tỉnh Bến Tre bán hóa giá cho bà một căn nhà nhỏ ở phường 8, thị xã Bến Tre để an dưỡng tuổi già. Ngay sau đó bà kêu bán căn nhà này để... làm từ thiện. Bán nhà được 40 triệu đồng, bà về Giồng Trôm góp 20 triệu đồng xây dựng trường mẫu giáo ở xã Châu Bình. Nghe tin ở đây có cô học trò lớp 7 Huỳnh Thị Trang bị mù một mắt đang sống với bà cố đã 90 tuổi rất nghèo, bà Sáu Hòa ra chợ mua quần áo, các vật dụng sinh hoạt cần thiết rồi hỏi đường tới thăm. Kể từ đó đến nay, tháng nào bà Sáu Hòa cũng gửi gạo, tiền về giúp hai bà cháu bé Trang.
Bà Sáu Hòa (trái) đang dành cho đủ 10 triệu đồng giúp một em nhỏ trị bệnh tim. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Một hôm tình cờ xem truyền hình thấy cháu Lê Thị Hồng Yến ở xã Tam Phước, huyện Châu Thành (Bến Tre) bị khuyết tật nặng do ảnh hưởng chất độc da cam sống với bà ngoại bị mù, sớm hôm sau bà đón xe ôm đến tận nơi thăm hỏi, động viên và gửi gạo, tiền sinh hoạt hằng tháng cho hai bà cháu. Cũng qua truyền hình, biết được nhiều học trò ở xã Quới Thành, huyện Châu Thành (Bến Tre) nghèo quá, bà tìm đường đến UBND xã xin gặp ông chủ tịch đề nghị được giúp một ít tiền, tập vở.
Năm 1951, bà Sáu Hòa xe duyên với anh bộ đội Nguyễn Văn Cừu. Nhưng chỉ hai năm sau bà phải sống cô quạnh vì chồng hy sinh ở Sóc Trăng. Từ đó bà tự nhủ với lòng sẽ hiến cả cuộc đời còn lại cho cách mạng. Từ đội Phụ nữ cứu quốc xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, bà được tổ chức điều động qua Cần Thơ tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ. Sau 1954 bà trở về làm giao liên cho Tỉnh ủy Bến Tre, rồi công tác ở Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh. Bà cống hiến cho cách mạng cho đến ngày giải phóng. |
Nhà không còn, tiền bán nhà bà Sáu Hòa mang đi làm từ thiện vài tuần cũng hết sạch. Đầu năm 2000, bà làm đơn xin vào an dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tiền lương hưu, chế độ thương binh hạng 3/4 của bà mỗi tháng hơn 2 triệu đồng, nhưng bà chỉ dành cho mình nhiều nhất 100.000 đồng để mua gạo và thức ăn. Số còn lại bà đều mang đi giúp người nghèo.
Có lần vừa lĩnh lương hưu, kiểm tra thấy gạo và thức ăn còn đủ cho cả tuần, bà vét túi đi làm từ thiện. Gần đây tình cờ bà gặp chị Trần Thị Huệ ở phường Phú Khương, thị xã Bến Tre trong lúc quảy gánh mua ve chai ở gần Trung tâm Bảo trợ xã hội. Tìm tới tận nơi, thấy ba mẹ con chị Huệ căng tấm bạt sống tạm bợ khổ sở, bà tự đi đặt bộ cột ximăng rồi thuê xe chở tới nhà giúp chị Huệ cất lại căn nhà.
Hiến xác cho y học
Chuyện đăng ký hiến xác năm 2000, bà Sáu Hòa giải thích: “Nhiều đồng đội cùng chiến hào với tôi bây giờ đã ra đi gần hết. Tôi sống tới bây giờ là quá lâu rồi. Mai mốt chết đi chôn ở đâu cũng chật đất. Tốt hơn hết là hiến xác cho y học sẽ có lợi hơn”.
Sau khi ĐH Y dược phúc đáp đồng ý tiếp nhận, bà Sáu Hòa xin chuyển ra ở căn phòng gần cổng Trung tâm Bảo trợ xã hội “để mai mốt người ta tới nhận xác cho tiện”. Cảm kích việc làm của bà Sáu Hòa, ông Nguyễn Khắc Nhu (80 tuổi, cán bộ hưu trí đang an dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội) cũng đăng ký tình nguyện hiến xác cho ĐH Y dược và đã được nơi này đồng ý tiếp nhận.
Trước khi về trung tâm này, bà Sáu Hòa đã hiến cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre toàn bộ tài sản có giá trị gồm: bộ trường kỷ hơn 100 năm tuổi, bộ lư đồng lớn hơn 200 năm tuổi và nhiều chén, đĩa, tách, bình... được xếp vào loại đồ cổ quý giá.
Bà Sáu kéo hộc tủ lấy ra hai quyển vở học trò: “Còn một thứ rất quý giá đối với tôi là tập thơ hơn 200 bài được làm từ năm 1961 tới nay. Tôi ráng sửa chữa cho xong để gửi Bảo tàng Bến Tre lưu giữ. Quyển vở này là của bảo tàng cấp cho tôi đấy”. Bà nói chưa từng được học làm thơ. Những gì ghi lại tạm gọi là thơ vì... có vần có điệu dễ đọc, dễ nhớ mà thôi.
Trầm ngâm một lúc, bà nói: “Những câu chữ trong tập thơ này cũng có thể coi là những trang sử sống mà tôi trực tiếp chứng kiến, ghi lại từ kháng chiến chống Mỹ cho đến nay. Những chuyện tốt, chuyện xấu có thật tôi đều ghi lại cốt là để răn mình sống cho thanh sạch”.
Gấp tập thơ lại, bà Sáu Hòa kéo hộc tủ lấy một xấp tiền ra nhờ chị Phượng (phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội) đếm lại. “Gần tới ngày lĩnh lương rồi. Tôi đang gom góp cho đủ 10 triệu đồng để gửi cho anh Lê Huỳnh (chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bến Tre) giúp một cháu bảy tuổi ở huyện biển Thạnh Phú bị bệnh tim bẩm sinh. Tội nghiệp thằng bé quá, không đủ tiền mổ tim nó sẽ chết mất...”, bà nói rồi lại chuẩn bị cho một chuyến đi thăm người nghèo.
(Theo Tuổi Trẻ)