Các nhà khảo cổ phát hiện tàn tích một tu viện Phật giáo Đại thừa từ thế kỷ 11 hoặc 12 ở Lal Pahari, thành phố Lakhisarai, bang Bihar, Smithsonian hôm 8/1 đưa tin. Phật giáo Đại thừa bắt đầu phát triển ở Ấn Độ khoảng 2.000 năm trước. Đến thế kỷ 9, Phật giáo Đại thừa trở thành tôn giáo chính ở Trung Á và Đông Á.
Đây là công trình đầu tiên thuộc loại này được tìm thấy ở độ cao lớn như vậy tại Lal Pahari. "Chúng tôi từng phát hiện tu viện ở nhiều nơi trong vùng, nhưng đây là công trình đầu tiên nằm trên đỉnh đồi. Có vẻ các tín đồ Phật giáo Đại thừa xây nó cách xa khỏi nơi đông đúc nhộn nhịp để tiến hành những nghi lễ tôn giáo một cách tách biệt", trưởng nhóm nghiên cứu Anil Kumar, nhà khảo cổ tại Đại học Visva Bharati, nhận định.
Đứng đầu tu viện là một phụ nữ có tên Vijayashree Bhadra. Khác với phần lớn tu viện Phật giáo trong lịch sử, mọi phòng ở đây đều có cửa, cho thấy toàn bộ tăng lữ là phụ nữ hoặc gồm cả phụ nữ và nam giới. Hai con dấu bằng đất sét khắc chữ hé lộ tên của tu viện là "Hội đồng tăng lữ Srimaddhama vihara."
Tại Lal Pahari, nhóm chuyên gia tìm thấy những phiến đá nhỏ dùng để thờ cúng, bên trên khắc hình Phật ngồi trong tư thế hoa sen. Họ cũng phát hiện cấu trúc khắc họa hai vị Bồ Tát đại diện cho trí tuệ và lòng trắc ẩn ở lối vào gian chính của tu viện. Chính quyền bang Bihar dự định xây hệ thống bảo vệ tàn tích khỏi mưa nắng và làm một con đường nhỏ để tiếp cận nơi này dễ dàng hơn.
Vijayashree Bhadra nhận được sự ủng hộ từ Mallika Devi, nữ hoàng của đế quốc Pala. "Nơi đây từng có tên là Krimila. Cái tên này cũng được nhắc đến trong văn chương Phật giáo", Kumar cho biết.
Krimila từng là trung tâm buôn bán lớn và cũng là trung tâm hành chính của Pala, đế quốc thống trị vùng Bihar và Bengal từ thế kỷ 8-12. Những người đứng đầu Pala ủng hộ Phật giáo và được cho là đã cử các hội truyền giáo đến Tây Tạng.
Thu Thảo (Theo Smithsonian)