"Chính sách cần sa của chính phủ chúng tôi sẽ là phục vụ cho các mục đích y tế. Tôi không đồng tình với việc sử dụng cần sa để giải trí", Thủ tướng Thái Lan Srettha hôm nay cho hay.
Tháng 6/2022, Thái Lan rút cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân sử dụng cần sa phục vụ mục đích y tế. Đây là động thái hợp pháp hóa tiêu thụ và trồng cần sa đầu tiên tại châu Á, trong bối cảnh Thái Lan nỗ lực phục hồi kinh tế, du lịch hậu Covid-19, cũng như tìm chỗ đứng trong thị trường thực phẩm, dược phẩm cần sa đang phát triển.
Ngành công nghiệp cần sa Thái Lan dự kiến có giá trị lên tới 1,2 tỷ USD trong vài năm tới, với hàng nghìn doanh nghiệp mọc lên từ khi đất nước hợp pháp hóa cần sa.
Đầu tuần này, Thủ tướng Srettha, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính, cũng công bố loạt chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy tiêu dùng và chi tiêu khi quá trình phục hồi ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á còn chậm chạp.
"Đây là chính sách có mục tiêu, chi tiêu trong nước sẽ tăng lên rất nhiều", ông nói, đề cập chính sách tặng 10.000 baht (282,09 USD) qua ví điện tử cho tất cả người dân Thái.
Chính sách hợp pháp hóa cần sa phần nào thành công khi hàng triệu du khách quốc tế đổ xô đến Thái Lan để tham gia "du lịch cần sa". Bộ Du lịch Thái Lan cho biết thành phố Chiang Mai ở miền bắc đã đón hơn một triệu du khách quốc tế trong năm ngoái, tăng vọt so với 31.000 du khách năm 2021.
Nhưng đi kèm với đó là những lo ngại của các chuyên gia y tế, nỗi thất vọng của nông dân Thái Lan trước tình trạng nhập khẩu cần sa bất hợp pháp, khiến lời hứa về "một mùa bội thu" tan thành mây khói.
Theo khảo sát của Hiệp hội Bác sĩ Tâm thần Thái Lan, nước này ghi nhận hơn 11 triệu người từng sử dụng cần sa để giải trí trong năm 2022, tăng nhiều lần so với 1,89 triệu người vào năm 2021. Chính phủ Thái Lan ghi nhận khoảng 1,1 triệu người đăng ký trồng cần sa, song khó xác định được số người trồng bất hợp pháp.
Thái Lan là quốc gia trồng và sản xuất cần sa lớn trong thập niên 1970-1980, trước khi chính phủ hợp tác với Mỹ tăng cường triệt phá ngành công nghiệp này.
Kể từ đó, Thái Lan trở thành một trong những quốc gia áp dụng chính sách cứng rắn nhất trong ngăn chặn ma túy và bia rượu. Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra từng tiến hành chiến dịch truy quét ma túy quyết liệt trong nhiệm kỳ vào đầu những năm 2000.
Huyền Lê (Theo Reuters)