Nghị sĩ cấp cao đảng Quốc gia Scotland (SNP) Stewart Hosie hôm 28/9 cho biết có cơ hội thực tế rằng cá nghị sĩ có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện vào tuần tới để cho thấy rằng họ không còn tin vào tư cách lãnh đạo của Thủ tướng đảng Bảo thủ Boris Johnson. Nếu Johnson thất bại trong cuộc bỏ phiếu, ông sẽ bị thay thế bằng lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn trong khoảng thời gian ngắn.
Quốc hội Anh bao gồm nhiều đảng chính trị, song thực tế từ sau Thế chiến II, chính phủ luôn do đảng Bảo thủ (hiện giữ 288 ghế) hoặc Công đảng (247 ghế) thành lập. Đảng Quốc gia Scotland xếp thứ ba với 35 ghế. Ngoài ra còn có nhiều đảng khác như đảng Dân chủ Tự do, đảng Xanh, đảng quốc gia Xứ Wales. Nếu Johnson bị phế truất, lãnh đạo Công đảng sẽ lên làm thủ tướng do đây là đảng lớn thứ hai.
Horbie cảnh báo việc để Corbyn trở thành thủ tướng lâm thời có thể là cách duy nhất để đảm bảo Anh không rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10. Để cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thành công ở quốc hội, các đảng đối lập cần ủng hộ điều này.
"Chúng ta cần phải làm điều đó vì hiện tại không thể tin rằng Thủ tướng sẽ tuân thủ luật pháp và gia hạn Brexit dù quốc hội đã bỏ phiếu vài tuần trước", Hosie nói.
Johnson đã liên tục sử dụng cụm từ gây tranh cãi "hành động đầu hàng" để mô tả luật mà quốc hội đã thông qua hôm 4/9 để ngăn Brexit không có thỏa thuận, yêu cầu Thủ tướng phải xin gia hạn nếu ông không thể đạt thỏa thuận mới với EU trước ngày 19/10. Các nghị sĩ gọi ngôn ngữ của Johnson là "đáng kinh tởm", trong khi cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ Justine Greening xem đây là "bất kính" với quốc hội.
Johnson gọi luật này là "hành động đầu hàng" vì nó "nhằm phá hỏng vị thế đàm phán" của Anh. "Luật này sẽ buộc chúng ta ở lại EU hết tháng này sang tháng khác với chi phí một tỷ bảng mỗi tháng. Nó sẽ lấy khỏi đất nước này khả năng quyết định gia hạn và trao quyền lực đó cho EU. Nó sẽ làm suy yếu khả năng tiếp tục đàm phán của chúng ta", Johnson nói.
Trong khi Hosie cho rằng Corbyn có thể lãnh đạo chính quyền lâm thời, ông cũng thừa nhận đảng Dân chủ Tự do và nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ tuyên bố họ sẽ không đưa lãnh đạo Công đảng vào văn phòng thủ tướng, ngay cả khi việc đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Corbyn là một lãnh đạo đối lập gây chia rẽ, phải đối mặt với chỉ trích vì lập trường Brexit mơ hồ và không thể dập tắt chủ nghĩa bài Do Thái trong Công đảng. Tỷ lệ ủng hộ của ông đã mất 60 điểm, khiến ông trở thành một trong những lãnh đạo ít tiếng tăm nhất trong lịch sử Công đảng.
Tuy nhiên, Hosie cảnh báo đây có thể là lựa chọn duy nhất của các nghị sĩ nếu họ nghiêm túc trong việc ngăn Brexit không có thỏa thuận. Tại cuộc gặp giữa các đảng đối lập hôm 26/9, lãnh đạo Công đảng cũng tuyên bố ưu tiên của họ là ngăn việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10.
Boris Johnson được bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh hồi cuối tháng 7 sau khi bà Theresa May từ chức. Kể từ đó, ông quyết liệt thúc đẩy Brexit, thậm chí tuyên bố "thà chết" còn hơn yêu cầu EU trì hoãn Brexit.
Huyền Lê (Theo CNN)