Tân Tây Du Ký do đài truyền hình Triết Giang sản xuất có kinh phí hơn 50 triệu nhân dân tệ và quy tụ được dàn diễn viên nổi tiếng của truyền hình Hoa ngữ như Trần Tư Hàn, Đường Quốc Cường, Ôn Bích Hà, Lưu Đức Khải, Lưu Tư, Hàn Tuyết, Lưu Hiểu Khánh... Riêng nhân vật trung tâm của tác phẩm là Tôn Ngộ Không được hóa thân bởi Phí Dương - một nghệ sĩ trẻ của sân khấu kinh kịch. Dù thường xuyên bị mang ra so sánh với diễn viên tiền bối Lục Tiểu Linh Đồng, Phí Dương vẫn tự tin trong diễn xuất và tạo được nét riêng cho vai diễn của mình.
|
Chỉ đạo cho Tân Tây Du Ký 2009 là Trình Lực Đống - đạo diễn từng rất thành công với loạt phim Bảng phong thần cách đây 3 năm. So với phiên bản năm 1986, Tân Tây Du Ký thật sự là một cuộc cách mạng về kỹ xảo và trang phục. Những màn biến hóa phép thuật, các cảnh đấu võ được phô diễn rất hoành tráng và đẹp mắt. Đảm trách phần phục trang là Trần Mẫn Chính, nhà tạo mẫu từng thiết kế trang phục cho thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008.
Thầy trò Đường Tăng sắp tái ngộ khán giả màn ảnh nhỏ VN trong một phiên bản mới. |
Do Tây Du Ký phiên bản năm 1986 đã gây ấn tượng quá sâu đậm cho người xem nên khi Tân Tây Du Ký ra mắt đã không tránh khỏi những áp lực từ dư luận. Để tạo nên sự khác biệt, đạo diễn Trình Lực Đống đã thêm bớt một số chi tiết nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc tôn trọng cốt truyện chính của tác giả Ngô Thừa Ân. Một số thay đổi có thể kể đến như việc sau khi ra đời, Thạch Hầu được một đôi vợ chồng khỉ nhận nuôi; hay trong quá trình đại náo thiên cung, lời thoại của Hầu vương quá đỗi dân dã. Tuy nhiên, đạo diễn Trình Lực Đống cho rằng những lời lẽ đó được sử dụng cốt để lột tả tính cách hoang dại của Thạch Hầu lúc chưa được điểm hóa.
Đáng chú ý nhất là tính cách của nhân vật Bạch Cốt Tinh. Trong Tân Tây Du Ký nữ yêu quái này lại không hề hung ác, thậm chí còn đầy tình người. Giải thích về điều này, Trình Lực Đống cho biết Bạch Cốt Tinh trong phiên bản cũ quá đơn giản, chỉ đánh ba trận là hết nên rất đáng tiếc. Vì vậy ông quyết định dành thêm đất diễn cho Bạch Cốt Tinh với nhiều ý nghĩa mới kèm theo.
Một cảnh chiến đấu giữa Tôn Ngộ Không và Na Tra Thái Tử trong "Tân Tây Du Ký". |
Trình Lực Đống chia sẻ, tất cả thay đổi của ông đều không làm “biến dạng” những gì mà tác giả Ngô Thừa Ân gửi gắm trong Tây Du Ký. Cái chính là ông muốn “thổi” thêm nét đặc trưng của con người hiện đại vào trong tác phẩm để xoáy sâu hơn vào tính nhân bản của nó. Ngoài ra, tính nhân bản còn được thể hiện khá tinh tế trong cách hóa trang cho nhân vật Tôn Ngộ Không khi có đến 7 phần “người” và chỉ có 3 phần “khỉ” trên gương mặt.
Không phải tự nhiên mà Tây Du Ký lại là một trong tứ đại siêu phẩm của văn học Trung Hoa, bởi đây là một tác phẩm mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc và phản ánh thực tế xã hội mà ở giai đoạn nào người ta cũng thấy phù hợp. Tây Du Ký mượn cảnh thiên đình để nói chuyện trần gian, dù nơi thanh tu nhà phật cũng luôn có điều bất công, gian trá.
|
Ánh Du