Bệnh nhân lúc còn trẻ từng sốc mất máu nguy hiểm tính mạng do phẫu thuật trĩ, nay rất sợ mổ. Gần đây, sỏi gây đau đớn nhiều, đi tiểu ra máu, anh đến Bệnh viện Bình Dân khám. Bác sĩ kết luận sỏi thận bên trái kích thước lớn, các cạnh sỏi cứa vào thận gây đau và tiểu ra máu, đặc biệt khi anh vận động mạnh như chơi thể thao.
Bác sĩ áp dụng kỹ thuật tán sỏi qua da với đường hầm nhỏ. Trong cuộc mổ kéo dài 90 phút, bác sĩ rạch một vết nhỏ ở da khoảng 5 mm (khoảng bằng hạt tiêu) để đưa các thiết bị chuyên dụng vào tán những viên sỏi. Quan sát qua camera nội soi và màn hình X quang, bác sĩ ghi nhận sỏi được lấy sạch hoàn toàn. Hôm sau, bệnh nhân được rút ống thông tiểu, không phải mang bất cứ ống thông nào trên người, không bị thốn đau, có thể tự đi lại mà không cần người trợ giúp.
Hơn hai năm qua, hàng nghìn người bệnh được tán sỏi qua da đường hầm nhỏ tại Bệnh viện Bình Dân. Bệnh nhân không cần phải mổ mở rạch da vùng lưng, rạch thận để lấy sỏi ra ngoài.
Bác sĩ Hoàng Thiên Phúc, Trưởng Khoa Nội soi niệu, cho biết đây là phương pháp điều trị tối ưu cho các trường hợp sỏi thận kích thước trung bình (10-30 mm). Phương pháp này giúp người bệnh ít đau, nhanh lành và gần như không có vết mổ.
Sau mổ, người bệnh có thể sớm vận động dễ dàng, đi lại bình thường chỉ trong hai ngày. Bên cạnh đó, lượng thuốc giảm đau cần dùng cho người bệnh được dùng ít hơn so với các phẫu thuật lấy sỏi thận khác. Trong ngày đầu tiên sau mổ, người bệnh được rút hoàn toàn các ống thông, sinh hoạt lại như trước mổ trong ngày thứ hai hậu phẫu.
Theo bác sĩ Phúc, không mang ống thông dẫn lưu sau phẫu thuật giúp người bệnh tránh được nguy cơ bị tiểu gắt buốt, tiểu máu, đau hông lưng, nhiễm khuẩn đường niệu... Với phẫu thuật trước đây, bệnh nhân thường phải mang ống thông khoảng 2-4 tuần. Bác sĩ ghi nhận nhiều người bệnh gặp biến chứng do quên tái khám rút ống thông, nằm trong cơ thể nhiều năm gây đóng sỏi và dễ gãy. Trong tình huống này, người bệnh phải trải qua một, thậm chí vài cuộc mổ để lấy toàn bộ các phần ống thông bị đứt gãy nằm trong niệu quản ra ngoài.
Sỏi thận khá phổ biến trong các bệnh lý đường tiết niệu, tỷ lệ mắc bệnh có thể lên đến 10% dân số. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ mỗi năm, siêu âm bụng để phát hiện sỏi thận và điều trị từ sớm. Phẫu thuật điều trị sỏi thận hiện có rất nhiều tiến bộ nhờ sự cải tiến về dụng cụ và kỹ thuật mới, nhiều ưu điểm so với mổ mở.
Bệnh viện Bình Dân - tuyến cuối về ngoại khoa tại TP HCM - là một trong những nơi điều trị và huấn luyện về niệu khoa, với gần 100 chuyên gia tiết niệu.