Bình, khi đó là tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới 18 tuổi, nhớ buổi gặp mặt diễn ra trong khán phòng lớn với khoảng gần 100 người ở Cầu Giấy. Công ty giới thiệu kinh doanh trên một nền tảng bán hàng trực tuyến.
"Họ chia sẻ về cách kiếm tiền, một vài nhân viên mới cầm cục tiền lớn và nói đó là thu nhập của họ trong thời gian đầu", Bình, mới ra trường, nói.
Sau khi tư vấn và giới thiệu ít phút, học viên được chia đội và hô khẩu hiệu quyết tâm. Nhân viên cũ hướng dẫn người mới đi đóng phí và đăng ký nhận hàng, tài khoản. Bình khi đó không đủ tiền, lại thấy vô lý khi chưa biết sẽ bán hàng gì, nên ra về. Tuy nhiên, nhiều người đi cùng Bình hào hứng mua các gói 15-20 triệu đồng.
Theo cô Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Đại học Thủy lợi, chiêu lừa làm việc thêm với mức lương hấp dẫn vẫn đang được sử dụng, nhắm đến các tân sinh viên. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu công việc các đối tượng sẽ yêu cầu sinh viên nộp nhiều khoản phí như tài liệu, đồng phục, tài khoản, hàng hóa, nhưng sau đó mức thu nhập không như hứa hẹn, hoặc chỉ là công ty ảo.
"Các em nên cẩn trọng trước những khoản phí phụ thu, đặc biệt chú ý tìm hiểu kỹ công việc, nhiều đối tượng sẵn sàng thuê người môi giới và giới thiệu mức lương ảo để tạo lòng tin", cô Giang nói.
Ngoài ra, nhiều sinh viên bị lừa lấy thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng. Tháng 8/2022, khi Hoài Thu, sinh viên năm thứ hai một trường đại học ở Cầu Giấy lên mạng bán một chiếc váy cũ, có người nhận là du học sinh ở châu Âu hỏi mua hàng và thông tin chuyển khoản. Sau đó, người này chụp cho Thu biên lai chuyển khoản, nhìn thoáng qua thấy không có vấn đề. Khi nữ sinh thắc mắc chưa nhận được tiền, người này gửi cho cô một dãy 10 số, hướng dẫn Thu đăng nhập vào một trang ngân hàng quốc tế để nhận tiền và có thêm ưu đãi.
"Nghe nhận thêm tiền em đã thấy nghi vấn, nói mạng lag chưa thể vào nhập mã, người này liền thay đổi thái độ và nói em làm mất phí giao dịch ngân hàng của họ", Thu nhớ lại.
Hôm sau, nữ sinh tò mò xem lại và nhận ra liên kết này đã xuất hiện trong cảnh báo lừa đảo trên một kênh truyền hình. Nếu đăng nhập và liên kết tài khoản, số tiền trong tài khoản gốc có thể không cánh mà bay.
Một lãnh đạo của trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP HCM), cho biết nhà trường từng bị một số đối tượng đã giả mạo gửi thông báo trúng tuyển và học bổng hồi cuối tháng 8, yêu cầu tân sinh viên nộp hồ sơ đầy đủ và hoàn thành học phí đúng hạn.
Theo vị này, các đối tượng sẽ thu thập thông tin cá nhân quan trọng của người học như căn cước công dân, tài khoản ngân hàng. Từ đó, những người này thực hiện các hành vi lừa đảo như vay tín dụng đen, thế chấp giấy tờ, bán dữ liệu cho môi giới việc làm ảo.
Việc giả mạo trường lừa tân sinh viên chuyển khoản học phí ngày càng nhiều.
Hôm 7/9, trường Đại học Văn Lang (TP HCM) ghi nhận có thí sinh bị lừa đóng học phí nhập học lên tới 86,6 triệu đồng qua tài khoản vì một thông báo giả mạo nhà trường. Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng cho biết có một số tân sinh viên bị kẻ gian mạo danh giám đốc ngân hàng lừa chuyển món tiền này.
Đại diện một số trường cho biết cũng ghi nhận một mánh khóe lừa đảo khác là đóng giả chủ nhà trọ chiếm đoạt tiền đặt cọc thuê nhà của các tân sinh viên.
Đại diện các trường cho rằng, các chiêu lừa đảo hiện nay ngày càng tinh vi, giả từ tên tài khoản đến dấu đỏ, chữ ký hiệu trưởng. Đối tượng được nhắm đến là tân sinh viên mới trúng tuyển đại học vì các em chưa có nhiều hiểu biết, đang có tâm lý vui vẻ, mất cảnh giác, nhất là đối với các sinh viên ngoại tỉnh.
Theo cô Giang, trường Đại học Thủy lợi đã kết hợp cùng công an thành phố tập huấn, trao đổi các kỹ năng với tân sinh viên để phòng chống lừa đảo. Trong khi đó, trường Đại học Nguyễn Tất Thành làm các video giả định tình huống lừa đảo thực tế thường gặp để truyền tải tới sinh viên.
Các thông tin về học phí và khoản thu đầu năm, tân sinh viên được khuyên liên hệ phòng Kế toán hoặc phòng Tuyển sinh và Truyền thông của trường theo học để được hỗ trợ.
*Tên sinh viên trong bài đã được thay đổi
Duy Phương